Tối 20.9.2009, đông đảo khán giả có mặt tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng như những người theo dõi đêm chung kết cuộc thi Dynamic 2009 trực tiếp qua sóng truyền hình (VTV9) đều cảm thấy thú vị trước phần thi sôi nổi và đầy ấn tượng của các thí sinh.

Năm nay chất lượng thí sinh có sự tiến triển vượt bậc, làm cho cuộc thi mang một diện mạo mới mẻ hơn. Thành công đó có được, theo ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn Kinh Đô – một trong những đơn vị tài trợ chính của cuộc thi, và cũng là thành viên Ban Giám Khảo, đến từ những thay đổi quan trọng trong quá trình tổ chức.

- Ông nhận xét như thế nào về chất lượng của cuộc thi “Dynamic – sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai” năm nay?

Lê Phụng Hào (L.P.H): Cuộc thi Dynamic lần 9 năm 2009 chỉ dành cho thí sinh năm cuối nên đối tượng thí sinh có sự tập trung và chất lượng thí sinh cũng đồng đều hơn các năm trước. Thí sinh nào cũng thể hiện được bản lĩnh, sự năng động, tự tin, trình độ kiến thức và cả kỹ năng ngoại ngữ. Bốn vòng thi của vòng loại và bốn phần thi tài trực tiếp trong đêm chung kết mang tính chọn lọc cao đã tuyển chọn được những sinh viên xuất sắc nhất trên cả nước, cũng như tạo điều kiện cho các em thể hiện bản lĩnh của mình.

- Về tính thực tiễn của các đề tài dự thi thì sao? Nếu đang cần thực hiện một trong những dự án như thế cho doanh nghiệp mình, liệu ông có lựa chọn áp dụng?

L.P.H: Các đề tài dự thi của 26 thí sinh bán kết, nhất là những dự án kinh doanh bước vào vòng chung kết thật sự là những ý tưởng mới cho doanh nghiệp. Các đề tài như “Xe lưu động bán thức ăn nhanh cho công nhân tại KCN”, “Marketing Kết nối”, “Giải pháp xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam” hay “Chiến lược thu hút & giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp vừa & nhỏ” đều xuất phát từ chính những nhu cầu thực tiễn mà các bạn nắm bắt được trong 1 tháng huấn luyện thực tế tại doanh nghiệp. Tôi thật sự ấn tượng bởi sự sáng tạo và nhạy bén của các thí sinh, nhất là bản lĩnh khi các bạn phản biện và bảo vệ quan điểm của mình.

- Được biết Kinh Đô đã tài trợ cho cuộc thi này suốt 9 năm liền từ khi Dynamic mới ra đời. Điều gì ở cuộc thi đã làm Kinh Đô quyết định như vậy?

L.P.H: Dynamic là một sân chơi học thuật bổ ích dành cho sinh viên, giúp các bạn trẻ thể hiện được tài năng, bản lĩnh của mình trong những tình huống thực tế. Đặc biệt cuộc thi không chỉ giúp các bạn hoàn thiện kiến thức mà còn trang bị những kỹ năng “mềm” trước khi hội nhập vào thực tiễn.

- Hiệu quả mà cuộc thi mang đến cho thương hiệu Kinh Đô là gì, thưa ông?

L.P.H: Chúng tôi không xem đây là một hình thức xây dựng thương hiệu mà là cơ hội đóng góp để tìm ra các doanh nhân trong tương lai. Nếu có xây dựng thương hiệu, chỉ là xây dựng thương hiệu nguồn nhân lực của Kinh Đô, là nơi thu hút và đào tạo nhân tài. Kinh Đô xây dựng môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên để họ thấy tự hào khi ở trong tổ chức. Không những thế, từ “ngôi nhà” Kinh Đô, nếu có bước ra ngoài, họ cũng là ứng cử viên sáng giá trước các nhà tuyển dụng.

- Hiện nay có rất nhiều cuộc thi dành cho sinh viên. Vậy theo ông, Dynamic có gì khác biệt?

L.P.H: Cuộc thi Dynamic gắn với uy tín, thương hiệu Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM và được cải tiến liên tục qua các năm để mang tính thực tiễn và sàng lọc cao hơn. Đặc biệt, năm nay Ban tổ chức chú trọng vào việc huấn luyện và đào tạo thực tế thông qua việc thực tập và giải quyết tình huống tại các doanh nghiệp. Tại Kinh Đô cũng như các doanh nghiệp khác, Ban lãnh đạo Kinh Đô cũng dành thời gian hướng dẫn đề tài cho các bạn, đồng thời cũng tham gia giảng dạy, tham gia Hội Đồng Giám Khảo, Hội Đồng Chất Vấn… Chúng tôi nhận thấy rằng cuộc thi năm nay không chỉ tìm ra bốn thí sinh xuất sắc nhất mà đã góp phần đào tạo được gần 30 sinh viên xuất sắc với đầy đủ những kỹ năng và kiến thức cần thiết của nhà doanh nghiệp tương lai. Hơn nữa, cuộc thi mang tính quảng bá lớn và thu hút được sinh viên từ 40 trường đại học trên cả nước tham gia.

- Với chất lượng thí sinh như thế, sau mỗi cuộc thi Kinh Đô có “buộc” những thí sinh xuất sắc về làm việc cho công ty?

L.P.H: Tài trợ cho giáo dục là một trong những hoạt động xã hội của Kinh Đô. Xuất phát từ quan niệm đó, chúng tôi không buộc các bạn đạt giải phải về làm việc cho mình, nhưng luôn khuyến khích và tạo điều kiện nếu các bạn có ý định hợp tác. Qua hoạt động tài trợ này, chúng tôi mong muốn đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực giỏi, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài phù hợp hoạt động của các doanh nghiệp và phục vụ cho cộng đồng xã hội.

- Kinh Đô là một trong những Mạnh Thường Quân tích cực với các chương trình xã hội từ thiện trong nhiều năm qua. Năm nay, Kinh Đô tài trợ nhiều cho giáo dục. Đây có phải là bước chuyển mới trong hoạt động xã hội của Kinh Đô?

L.P.H: Đây chỉ là quan niệm về cách đóng góp cho cộng đồng. Các chương trình xã hội từ thiện như chăm lo người nghèo chỉ giúp được cho một số người trong một lúc nào đó. Còn khi đầu tư cho giáo dục, cùng lúc bạn có thể giúp cho nhiều người trang bị hành trang, kiến thức để nuôi sống bản thân, gia đình họ, không những thế họ còn có thể giúp lại cho những người khác, tạo được sức lan tỏa cao trong cộng đồng.

Trước đây, khi đất nước khó khăn, xã hội có nhiều người nghèo, Kinh Đô chú trọng các chương trình xã hội từ thiện. Nhưng khi xã hội đã phát triển dựa trên nền tảng là tri thức thì đầu tư cho giáo dục cũng thể hiện sự tiên phong của Kinh Đô trong các hoạt động cộng đồng. Nhưng không phải khi tài trợ giáo dục là chúng tôi không quan tâm đến các hoạt động từ thiện.

Hiện tại, hàng năm chúng tôi vẫn ủng các hoạt động chăm lo cho người nghèo qua các chương trình phối hợp với UBMTTQ, Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo, Hội Chữ thập Đỏ...

- Mục tiêu của Kinh Đô qua chiến lược tài trợ giáo dục này là gì, thưa ông?

L.P.H: Ngoài việc xây dựng hình ảnh tiên phong trong những chương trình tài trợ giáo dục như một trong những nhà tài trợ chính xuyên suốt 9 kỳ Dynamic, một trong những nhà tài trợ chính đầu tiên của cuộc thi SIFE Việt Nam… đồng hành nhiều năm cùng Chương trình “Tiếp Sức Đến Trường”, Quỹ SaiGon Times Foundation... chúng tôi còn có tham vọng đào tạo nguồn nhân lực cao cấp để khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế.

Vừa qua Kinh Đô được xếp hạng 4 trong Top 10 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam theo khảo sát của VCCI và Nielsen. Điều đó cho thấy thương hiệu Việt Nam vẫn có thể sánh ngang với các thương hiệu nước ngoài nếu doanh nghiệp biết cách đầu tư xây dựng thương hiệu. Và đầu tư vào nguồn nhân lực là một trong những yếu tố chính để đạt được điều đó.

Khởi động từ tháng 03/2009, cuộc thi “Dynamic – sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai” lần  9 năm 2009 đã thu hút 2.200 sinh viên năm cuối từ 40 trường đại học trên cả nước tham gia. Theo BTC, cuộc thi năm nay được đánh giá khá cao do cơ chế sàng lọc chất lượng chặt chẽ qua 4 vòng thi, nhất là 4 phần thi tại vòng chung kết:

  • “Dynamic” (Tự Giới Thiệu)
  • “Thử thách” (Trắc nghiệm kiến thức tổng hợp)
  • “Bản lĩnh nhà doanh nghiệp” (Trình bày kế hoạch kinh doanh)
  • “Tự khẳng định” (Giải quyết tình huống).

Kết quả chung cuộc:

  • Thí sinh Mai Thị Hồng - ĐH Ngoại Thương HN đã  trở thành nhà vô địch Dynamic lần 9 năm 2009 (giải thưởng 30 triệu đồng) và nhận thêm giải thưởng phụ: Thí sinh ấn tượng nhất do các Thí sinh tham gia cuộc thi năm nay bình chọn.
  • Giải II (giải thưởng 20 triệu đồng): Lê Thị Quỳnh Nga - sinh viên Trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội
  • Đồng Giải III (giải thưởng 10 triệu đồng/ giải): Trần Thu Trang – ĐH Ngoại Ngữ Tin Học và Nguyễn Vạn Phúc – ĐH Kinh Tế TP.HCM. Nguyễn Vạn Phúc cũng nhận thêm giải thưởng phụ: Thí sinh đạt điểm cao nhất vòng 1.

Ngoài ra, 04 thí sinh vào chung kết còn nhận giải thưởng “Dynamic Award” với phần thưởng là một chuyến giao lưu học tập kinh nghiệm tại Mỹ (dự kiến vào cuối tháng 10) và Học bổng Cao học bằng tiếng Anh của Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM hoặc Học bổng Cao học Quản Trị Kinh Doanh bằng tiếng Anh (EMBA) của Viện Quản Trị Kinh Doanh - ĐH Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội.

Duyên Anh