(ĐTCK) Vì sao CTCP Kinh Đô (KDC) tham gia vào ngành hàng thực phẩm thiết yếu, phân khúc thực phẩm và gia vị? Cách thức cạnh tranh như thế nào trên một thị trường có quy mô đến gần 200.000 tỷ đồng này? Những câu hỏi đó của cổ đông KDC đã được Ban lãnh đạo Công ty giải đáp một cách thuyết phục tại ĐHCĐ vừa qua.
Bước vào thị trường quy mô gần 200 nghìn tỷ đồng
Ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc KDC cho biết, là một trong những doanh nghiệp tham gia ngành hàng bánh kẹo từ lúc thị trường này còn sơ khai, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Kinh Đô đã trở thành thương hiệu bánh kẹo ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt Nam, do đó, thương hiệu Kinh Đô sẽ tiếp tục đi cùng ngành bánh kẹo.
Trọng trách thực hiện mục tiêu nằm trong Top 3 các ngành hàng thực phẩm thiết yếu ở Việt Nam sẽ được KDC giao cho KIDO Group. Lĩnh vực thực phẩm thiết yếu và gia vị có quy mô gần 200.000 tỷ đồng/năm, gấp 12 lần quy mô ngành bánh kẹo hiện nay, sẽ là lĩnh vực còn dư địa rất lớn để KDC khai thác.
Để phát triển ngành hàng mới, KDC đã có bước chuẩn bị chiến lược trong vòng 5 năm, chuẩn bị nguồn lực từ nhân sự, hệ thống quản trị, vận hành, hệ thống phân phối và nguồn lực tài chính…, đảm bảo đủ lực cho sự phát triển của KIDO trong ngành hàng thiết yếu.
“Việc tung sản phẩm mì gói, dầu ăn, hạt nêm trong thời gian qua là bước chúng tôi thăm dò tiềm năng thị trường, phản ứng của người tiêu dùng cũng như luật chơi của ngành. Sau thành công bước đầu của các sản phẩm mới, sắp tới, KDC sẽ chính thức đầu tư mạnh cho ngành hàng thiết yếu”, ông Việt cho biết thêm.
Tích hợp chuỗi giá trị
Ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên 2015, hai liên doanh trong lĩnh vực sản xuất mì gói và dầu ăn giữa KDC và các tập đoàn nước ngoài có vị thế dẫn đầu trên thị trường đã được công bố cho thấy những bước đi chiến lược của KDC trong việc thiết lập lợi thế cạnh tranh căn cơ và bền vững để tiến xa trong ngành hàng thiết yếu.
“Đối tác liên doanh với KDC đều là những doanh nghiệp có vị thế hàng đầu trong ngành”, ông Nguyên nhấn mạnh khi nói về phương thức tạo dựng nền tảng và lợi thế cạnh tranh của KDC ở ngành hàng mới.
Trong lĩnh vực mì gói, KDC liên doanh với Saigon Ve Wong, công ty con của Ve Wong Đài Loan (có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất mì gói, sản phẩm ăn liền, gia vị..., sản phẩm được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới) để đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên tại miền Bắc và tiếp theo là ở miền Nam và miền Trung. Không chỉ sản xuất mì gói, gia vị, KDC và đối tác sẽ đưa vào thị trường Việt Nam các sản phẩm mới chưa từng có trên thị trường.
Ở liên doanh sản xuất và kinh doanh dầu ăn, đối tác lớn của KDC là Tập đoàn Felda Global Ventures (FGV) của Malaysia, đơn vị trồng và sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn phải nhập khẩu nguyên liệu với nhiều rủi ro.
Việc liên doanh với FGV cộng với lợi thế cơ sở hạ tầng (cầu cảng kho chứa và thị phần tiêu thụ) của Vocarimex mà KDC đã đầu tư mua cổ phần giúp KDC ngay lập tức trở thành trở thành nhà phân phối dầu nguyên liệu tại thị trường Việt Nam.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC chia sẻ, dù thị trường dầu ăn Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng với dân số 90 triệu người thì đây là thị trường còn tiềm năng tăng trưởng lớn. Quy mô thị trường này vào khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, nhưng có tới 90% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu từ nước ngoài chủ yếu từ Malaysia và Indonesia.
“Chúng tôi hiện đang có các đối tác mạnh để tham gia vào sân chơi này. Thông qua việc hợp tác cùng FGV, một trong những tập đoàn trồng và sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, KDC sẽ ổn định được nguồn nguyên liệu, giá thành. Đây cũng là bước ngoặt để KDC tạo nền tảng căn cơ cho việc phát triển ngành dầu ăn nói riêng và ngành hàng thiết yếu của Công ty một cách bền vững, hiệu quả”, ông Nguyên nói.
Trong liên doanh dầu ăn, sự tham gia của Tập đoàn Indo -Trans Logistics Corporation (ITL), doanh nghiệp hàng đầu về vận tải, cung cấp giải pháp tích hợp về logistics cho thấy sự “kín kẽ hoàn hảo” của KDC trong thực hiện chiến lược liên doanh, liên kết để tích hợp chuỗi giá trị, tạo dựng lợi thế cạnh tranh. Bởi dầu nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm dầu ăn, mà giá thành dầu nguyên liệu phụ thuộc một phần vào chi phí vận chuyển và giải pháp logistics. Kiểm soát được giá đầu vào thấp nhất nhờ hai đối tác hàng đầu thế giới giúp KDC có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trên thị trường dầu nguyên liệu.
Đáng lưu ý, ở cả hai liên doanh này, KDC giữ cổ phần lớn, nhưng đều dưới tỷ lệ chi phối 51%. Lý do đơn giản là tỷ lệ sở hữu chi phối không quá quan trọng như trong các liên doanh thông thường, bởi KDC với lợi thế sẵn có của mình là thấu hiểu người tiêu dùng, sở hữu kênh phân phối rộng khắp và hệ thống quản trị tiên tiến cũng như bề dày kinh nghiệm marketing sẽ là bên nắm giữ thị trường.
KDC sẽ chịu trách nhiệm từ phát triển sản phẩm phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Việt, quảng bá thương hiệu, tới phân phối bán hàng.
Những sản phẩm đầu tiên trong danh mục sản phẩm mang thương hiệu Đại Gia Đình của KDC
Sau khi tung ra thị trường sản phẩm mì ăn liền Đại Gia Đình, được người tiêu dùng đón nhận tích cực vào cuối năm 2014, KDC đã tung ra thị trường hai sản phẩm mới gồm: dầu ăn, hạt nêm cùng thương hiệu. Đây là những sản phẩm đầu tiên trong danh mục sản phẩm chăm sóc bếp gia đình Việt mang thương hiệu Đại Gia Đình.
Theo báo cáo của Phó tổng giám đốc Trần Quốc Việt trình bày tại ĐHCĐ, danh mục nhóm sản phẩm mà KDC sẽ mở rộng còn có cà phê, nước chấm. Còn theo tiết lộ của Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên, hoạt động liên doanh, liên kết hay M&A sẽ tiếp tục được KDC đẩy mạnh trong thời gian tới để tích hợp chuỗi giá trị, giúp KDC tiến nhanh và sâu trong các ngành hàng thực phẩm và gia vị.
Cam kết về tăng trưởng
Thấu hiểu những băn khoăn của cổ đông và nhà đầu tư về khoảng lặng tất yếu trong quá trình chuyển đổi, mở rộng ngành hàng kinh doanh chính, tại ĐHCĐ thường niên 2015, ông Nguyên cam kết ngành hàng thiết yếu sẽ sớm đạt mức doanh thu tương đương với ngành bánh kẹo và đảm bảo cổ tức đều đặn cho cổ đông hàng năm.
KDC sẽ thực hiện chi trả cổ tức đặc biệt 200% cho cổ đông sau thương vụ bán Kinh Đô Bình Dương theo Nghị quyết ĐHCĐ đã thông qua bằng văn bản. Năm 2015, KDC thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 14%.
Những thông tin được công bố kịp thời, chính sách về cổ tức, mua cổ phiếu quỹ của KDC cho thấy nỗ lực của Ban lãnh đạo KDC trong việc minh bạch, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của cổ đông. Đây là điều mà không phải công ty nào cũng làm được.
Với giá trị nền tảng sẵn có và chiến lược liên doanh, liên kết hiệu quả để tích hợp giá trị của các bên, giới phân tích nhận định, KDC có đủ tiềm năng và nội lực để hiện thực hóa tham vọng nằm trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn