Kido vừa trải qua kỳ đại hội đồng cổ đông sau chuyển đổi, sau những bước đi trong năm 2015, Kido khẳng định sẽ tiếp tục tấn công thị trường thực phẩm thiết yếu theo chiến lược “Thực phẩm & Gia vị”. Đại hội cũng thông qua các chính sách cổ tức liên quan đến lợi ích dành cho cổ đông của đơn vị này.

Tiến sâu vào thực phẩm thiết yếu

Trong báo cáo thường niên năm 2015, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido nhắc lại, Kido dấn bước vào ngành này vì nhìn thấy tiềm năng của một thị trường có quy mô hơn 193.500 tỉ đồng. Ngoài ra, đây là ngành không bị tính mùa vụ tác động, có thể giúp Kido tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và đầu tư mở rộng ra khu vực Đông Nam Á.

Theo Euromonitor International, thực phẩm thiết yếu là ngành đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, với tăng trưởng mảng dầu ăn năm 2015 là 8%, mì gói là 5%, gia vị là 4%. Riêng ngành kem tăng trưởng hơn 15%. Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, Euromonitor dự báo, các ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Nhiều người vẫn quan ngại Kido sẽ khó chen chân ở lãnh địa thực phẩm thiết yếu bởi những lĩnh vực Kido tham gia đều đã có các tên tuổi cát cứ. Chẳng hạn, Cái Lân đang chiếm lĩnh thị trường dầu ăn còn Acecook, Masan đã thiết lập những vị trí vững chắc trong mảng mì gói. E ngại cũng xuất hiện khi Kido chọn cách tấn công lĩnh vực thực phẩm thiết yếu bằng cách bắt tay xây dựng thương hiệu từ con số 0.

Tuy nhiên, mới đây, trước toàn thể cổ đông, Kido thông báo đã thâm nhập thành công vào 3 ngành hàng gồm dầu ăn, mì gói và gia vị. Cụ thể, chỉ trong năm 2015, Kido đã tung ra thị trường 5 sản phẩm dầu ăn ở mọi phân khúc. Đối với ngành mì gói, Kido giới thiệu với người tiêu dùng nhiều sản phẩm mới. Tất cả đều mang thương hiệu Đại Gia Đình. Đây sẽ là thương hiệu cho hàng loạt sản phẩm thiết yếu sắp tới của Kido.

thuong-hieu-thuc-pham-thiet-yeuĐại Gia Đình là thương hiệu các thực phẩm thiết yếu của KIDO

Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, chiến lược của Kido là sẽ tiếp tục tận dụng các lợi thế cạnh tranh sẵn có về tiền mặt dồi dào (hơn 3000 tỉ đồng), kinh nghiệm quản trị, hệ thống phân phối rộng khắp để thâm nhập mạnh mẽ hơn vào ngành thực phẩm. Cụ thể, ở mảng dầu ăn, Kido dự kiến nâng tỉ lệ sở hữu tại Vocarimex từ 24% vốn điều lệ lên 51%. Mức sở hữu này sẽ giúp Kido vươn tới mục tiêu top 3 ngành dầu và tăng doanh thu lợi nhuận nhờ hợp nhất báo cáo tài chính.. Với sự hỗ trợ của Kido, Vocarimex có thể khắc phục được yếu điểm hiện có để cải thiện đà tăng trưởng. Năm ngoái, Kido còn bắt tay với Felda Global Ventures (FGV) và Indo-Trans Logistics Corporation (ITL) của Malaysia cho mục tiêu lập liên doanh mới. Liên doanh này sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm dầu ăn đóng chai cũng như cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Vocarimex và các công ty khác tại Việt Nam.

Đối với ngành mì gói, Kido phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh. Các công ty hiện đang dẫn đầu thị trường luôn cảnh giác và phản ứng phòng vệ mạnh mẽ. Vì thế, Kido đã có những điều chỉnh về mặt chiến lược theo hướng thận trọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Mục tiêu trước mắt của Kido là tìm cách vượt qua các thách thức của thời kỳ đầu thâm nhập, sau đó sẽ từng bước chinh phục thị trường, gia tăng thị phần thông qua cải tiến hương vị, mở rộng hợp tác, đa dạng sản phẩm và thúc đẩy kênh bán hàng hiện đại.

Trong các ngành khác của mảng F&B, theo chia sẻ từ phía Công ty, Kido đủ tiềm lực tài chính để đầu tư, thực hiện các thương vụ M&A nhằm mở rộng danh mục sản phẩm. Kido đang thận trọng trong các quyết định đầu tư. Tiêu chí lựa chọn đầu tư của Kido vẫn là ngành phải đảm bảo khả năng sinh lời trong thời gian nhất định đồng thời phải tạo nền tảng phát triển cho Kido.

Khai thác ngành lạnh

Kido đang kinh doanh ấn tượng nhất ở ngành kem và các sản phẩm từ sữa. Năm 2015, mảng này đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi đạt tăng trưởng doanh thu năm 2015 tới 30%, tức gấp đôi so với tăng trưởng của ngành. Kem đã đóng góp lớn nhất vào kinh doanh cho Công ty và đang dẫn đầu, chiếm thị phần 36,9%. Tính ra, thị phần này đã tăng thêm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2014 và cách biệt với đối thủ gần nhất (10,3%).

duy-tri-nang-cao-vi-the
KIDO tiếp tục duy trì và nâng cao vị thế “vua ngành lạnh”

Kido sẽ chỉ tập trung phát triển vào 2 mảng này hay sẽ tấn công thêm vào ngành lạnh có quy mô gần 16.000 tỉ đồng? Theo chia sẻ của Kido, Công ty sẽ không chỉ dừng lại ở các ngành hàng hiện có. Những sản phẩm có cùng kênh phân phối lạnh sẽ được Kido triệt để khai thác. Nhưng Kido chưa thể công bố chi tiết để đảm bảo lợi thế cạnh tranh. Trước mắt, Kido có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối lạnh, làm nền tảng cơ sở cho ngành lạnh. Ngoài ra, Kido sẽ đầu tư 400 tỉ đồng vào nhà máy Bắc Ninh để nâng công suất thêm 170%. Trên thực tế, các thương hiệu Merino, Celano, Wel Yo của Kido đã phát triển rất mạnh trong năm 2015, đặc biệt là sản phẩm sữa chua đá.

Không quên lợi ích cổ đông

Kido đang đi những bước chuẩn bị cho nền tảng trong giai đoạn 2015 – 2016 và chuẩn bị để tăng trưởng và mở rộng. Dù cho chặng đường phía trước còn nhiều thách thức và đòi hỏi dồn lực đầu tư, Kido luôn xác định phải đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Bằng chứng là Kido vẫn chi trả cổ tức đều đặn. Năm 2015, bên cạnh mức cổ tức đột biến với tỉ lệ 200%/vốn điều lệ, trích từ lợi nhuận hoạt động tài chính, Kido vẫn quyết định chia cổ tức 14%. Năm 2016, cổ tức dự kiến là 16% bằng tiền. Kido cũng tiếp tục theo đuổi kế hoạch mua thêm 26 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, với giá không quá 30.000 đồng/cổ phiếu, để đạt tổng mức cổ phiếu quỹ chiếm 30% lượng cổ phiếu phát hành. Việc mua thêm cổ phiếu quỹ này sẽ giúp Kido cải thiện hai chỉ số ROE và EPS, vốn hay được nhà đầu tư căn cứ để ra quyết định.

Do đang ở giai đoạn đầu tư nên Kido có những điều chỉnh trong kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2016. Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu thuần năm 2016 là 1.800 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.500 tỉ đồng, lần lượt giảm 42,6% và 4,4 lần so với năm 2015. Nhưng theo đại diện Kido, cần thấy năm 2015 là năm đột biến của Kido, với việc chuyển giao 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mỹ. Nếu bỏ qua yếu tố này và so sánh với năm 2014, chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 cao hơn.

Kido cho thấy đã thực thi bài bản, nhanh chóng chiến lược đề ra trong các lĩnh vực có thế mạnh và thận trọng trong những thị trường thử thách cũng như trước các cơ hội mới. Hiệu quả tăng trưởng của các bước đi này và liệu mục tiêu Top 3 như tham vọng có đạt được nhanh chóng hay không là điều mà các cổ đông cần chờ đợi và kiểm chứng trong vài năm tới.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Thủy Ngọc