Cuối năm 2010, Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) công bố việc sáp nhập Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc (NKD) và Công ty Kido vào KDC.
Đây được xác định là bước khởi đầu cho định hướng chiến lược phát triển dài hạn nhằm mở rộng quy mô ngành hàng thực phẩm, với tham vọng đưa Kinh Đô không chỉ trở thành tập đoàn thực phẩm có quy mô hàng đầu ở Việt Nam, mà còn có vị thế trong khu vực Đông Nam Á.
Một năm sau “bước đi” đầu tiên ấy, ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám Đốc KDC đã có cuộc trò chuyện đầu năm về ‘tham vọng” đó của Kinh Đô.
Ông Trần Lệ Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô |
Dù “bão giá” vẫn tăng trưởng
Ông Nguyên cho biết: Việc sáp nhập NKD và Kido vào KDC bắt đầu được triển khai từ cuối 2010, vì vậy mọi kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp mới này đều được thực hiện trong nằm 2011. Sau 1 năm sáp nhập, doanh thu của KDC đã tăng hơn 30% từ 3.317 tỷ lên hơn 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận riêng ngành thực phẩm đạt 500 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước.
Những con số ấy đủ để chứng minh năng lực hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn: lạm phát tăng, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, trượt giá…
Ngoài ra, chúng tôi cũng tự hào vì trong điều kiện kinh doanh khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm lương, cắt thưởng, nhưng thu nhập của CBCNV KDC vẫn được đảm bảo. Ban lãnh đạo KDC quyết tâm không chỉ duy trì sự ổn định đời sống cho người lao động, mà còn tìm mọi cách tăng thu nhập cho họ, để họ gắn bó với công việc.
Việc mua - bán - sáp nhập (M&A) được cho là đem đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội, nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro. Với tư cách là người điều hành Tập đoàn, ông có kinh nghiệm gì về vấn đề này?
Tôi cho rằng, cơ hội và rủi ro là những yếu tố khách quan mà doanh nghiệp nào cũng có thể nhận được hay phải đối mặt, quan trọng nhất vẫn là yếu tố chủ quan - bộ máy điều hành doanh nghiệp. Có phương pháp điều hành, quản lý khoa học và hiệu quả thì sẽ không để mất cơ hội và tránh tối đa rủi ro.
Ở chỗ chúng tôi, một năm sau khi sáp nhập, doanh số của Kido tăng 40% so với khi còn hoạt động độc lập, nhờ nguồn vốn do KDC điều tiết về. Doanh số của Kinh Đô Miền Bắc tăng 30%. Phương pháp quản lý của ban lãnh đạo đã tạo điều kiện cho các thành viên hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt, từ quản trị đến tài chính. Nhờ đó, so với kế hoạch năm, có thể nói Kinh Đô tăng trưởng rất tốt, đó là điều làm chúng tôi tự hào.
Kinh Đô vốn đi lên từ ngành hàng thực phẩm, hiện nay Tập đoàn đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác. Các lĩnh vực mở rộng này hiện hoạt động ra sao, thưa ông?
Kinh Đô hiện là doanh nghiệp hoạt động đa ngành, với các lĩnh vực: thực phẩm, bán lẻ, địa ốc, tài chính. Tuy nhiên, chiến lược của chúng tôi là ở từng thời kỳ, căn cứ vào thực tế thị trường sẽ tập trung vào từng mũi nhọn cụ thể.
Trong năm qua, với những dự án cần đầu tư nhiều nhưng thị trường chưa sôi động, Kinh Đô tạm ngưng.Theo đó, trong 5 năm tới, Kinh Đô sẽ tập trung và phát triển mạnh ngành hàng thực phẩm.
Liên kết để lớn mạnh
Ông có thể nói rõ hơn về định hướng này?
Như mọi người đều biết, thực phẩm là lĩnh vực cốt lõi của Kinh Đô. Doanh thu năm 2011 của Kinh Đô hoàn toàn từ thực phẩm. Xin nói thêm, trên thị trường chứng khoán, Kinh Đô là một trong số ít doanh nghiệp tăng trưởng tốt và không hề phải điều chỉnh kế hoạch.
Kinh Đô không đơn thuần chỉ sản xuất bánh kẹo, kem mà mở rộng nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác, như sữa nước với nhãn hiệu Well Grow, sữa váng, phô mai, sữa chua.
Về tài chính, Kinh Đô cũng sẽ tập trung theo hướng đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm. Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều tập đoàn lớn ở châu Á, và đã chọn được một số đối tác hàng đầu trong khu vực. Các đối tác sẽ hợp tác với Kinh Đô và cùng với Kinh Đô mở rộng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu trong đời sống hằng ngày của người dân.
Ngoài Kinh Đô, ở Việt Nam hiện còn có một số tập đoàn cũng kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng, thậm chí họ còn khá mạnh về tài chính và đã đi trước Kinh Đô một bước. Vậy, ông có biết vì sao các đối tác lại chọn Kinh Đô? Và Kinh Đô có chiến lược gì để cạnh tranh?
Kinh Đô có một lợi thế mà các đối tác nước ngoài rất “mê”, đó là thị trường. Các mặt hàng bánh kẹo của Kinh Đô hiện chiếm 90% thị phần tiêu dùng nội địa. Với hệ thống phân phối sâu, rộng khắp cả nước, chúng tôi không khó khăn để mở rộng các sản phẩm tiêu dùng.
Ngoài ra, với bộ máy nhân sự như hiện nay - hầu hết lãnh đạo đầu ngành đều là những người từng có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, Kinh Đô là một đối tác đáng tin cậy.
Trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, nên sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà cả với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài.
Vì vậy, một trong các tiêu chí chọn đối tác của Kinh Đô là doanh nghiệp liên kết có thế mạnh về nguyên liệu hoặc công nghệ, nhằm tạo ra sự khác biệt về cả chất lượng lẫn hình thức để cạnh tranh.
“Chiêu” giữ nhân tài
Ông vừa nhắc đến một thế mạnh của Kinh Đô là bộ máy nhân sự. Làm thế nào mà ông có thể thu hút được các nhân tài từ các tập đoàn đa quốc gia về với Kinh Đô?
Vâng, cho đến giờ, có thể nói là tôi thấy hài lòng về bộ máy nhân sự của mình. Một trong những điều kiện để có thể thu hút được người tài là chính sách đãi ngộ. Sự tăng trưởng liên tục giúp Kinh Đô đủ điều kiện để đãi ngộ nhân tài. Tuy nhiên, để giữ được họ thì vấn đề lại không nằm ở thu nhập nữa. Người ta từng nói, người tài làm việc không vì tiền, mà để được làm việc.
Ở Kinh Đô, chúng tôi quản lý bằng phương pháp giao quyền, tạo “không gian” cho cấp dưới sáng tạo. Tôi là người đưa ra định hướng, chỉ tiêu, nhưng không can thiệp vào phương pháp thực hiện, mà để cấp dưới chủ động phát huy năng lực chuyên môn của họ. Và tôi cũng luôn tâm niệm một điều là không phải bao giờ mình cũng đúng, vì thế cấp dưới luôn có cơ hội bày tỏ ý kiến của họ với tôi, và luôn được lắng nghe, tiếp thu.
Nghe nói, ông từng làm “đầu bếp” trong một bữa tiệc đãi gần trăm nhân viên của mình…
Vâng, tôi là người thích nấu ăn và thích làm đẹp cho món ăn. Không tự đề cao mình, nhưng tôi dám nói rằng ít có người nào hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm có trình độ thẩm định hơn tôi. Tôi say mê ẩm thực, thích nghiên cứu về thực phẩm, nên thú thư giãn của tôi cũng là nấu nướng. Tôi có thể tự mình đi chợ, chọn mua nguyên liệu, chế biến món đủ cho một bữa tiệc, từ món khai vị, món phụ, món chính, đến các loại cocktail…
Với tôi, nấu nướng là một cách giảm stress. Thỉnh thoảng, Tôi cũng tự mình đứng bếp để đãi bạn bè, người thân và đối tác vào những ngày cuối tuần.
Doanh nghiệp phát triển tốt, gia đình êm ấm, được làm việc trong lĩnh vực mà mình say mê. Ông còn mong điều gì hơn thế nữa?
Mong muốn của tôi là sự trường tồn của thương hiệu Kinh Đô. Và để đạt được điều ấy, mỗi việc tôi làm đều nhằm đảm bảo s