Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh) vừa đưa ra một số dự báo cho thấy triển vọng phục hội kinh tế thế giới vẫn rất mong manh và tăng trưởng kinh tế phần lớn các khu vực năm 2011 đều giảm so năm 2010.
Nghiên cứu của Foresight 2020 thì dự đoán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại từ năm 2011 trở đi, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 4,6%, thấp hơn Philippines và Thái Lan (4,7%), Malayasia (4,8%) và Indonesia (5%). Cuối tháng 9, Ngân hàng Phát triển châu Á thì lại nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2010 từ 6,5% lên 6,7%, trong năm 2011 từ 6,8% lên 7%; đồng thời hạ mức dự báo lạm phát năm 2010 xuống còn 8,5% và năm 2011 xuống 7,5%.
Diễn giả Văn Đức Mười Tổng Giám đốc Công ty Vissan - Ảnh Qúy Hòa |
Trước tình hình dự báo kinh tế như thế, nhiều chủ doanh nghiệp băn khoăn không biết những bất ổn của kinh tế vĩ mô sẽ nghiêm trọng hơn trong những năm tới vì nền kinh tế đang "sa lầy" bởi cách đầu tư dàn trải thiếu tập trung, dừng không được mà tiếp tục thì sẽ tăng bội chi, nợ công... Vấn đề đặt ra là năm 2011, có nên tiếp tục đầu tư hay chờ cơ hội? Kinh tế vĩ mô có sự biến động, doanh nghiệp cần có những chiến lược gì?.. Chính vì thế mà tại cuộc tọa đàm do CLB Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tại Nhà máy Kinh Đô Group - Khu công nghiệp VSIP (Bình Dương) vào sáng 4/12, đã thu hút khoảng 150 doanh nghiệp hội viên của CLB Doanh Nhân Sài Gòn tham dự, và qua phần trình bày cụ thể và sinh động của các diễn giả Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Vissan, Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT Kinh Đô Group và COO Nguyễn Khắc Huy của Kinh Đô Group đã giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tầm nhìn chiến lược của Vissan và Kinh Đô Group, về khả năng dự báo và thích ứng kịp thời trước những thay đổi của môi trường; về khả năng hoạch định chiến lược, quản lý rủi ro và điều hành hoạt động như thế nào đạt hiệu quả cao nhất để đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp ngày hôm nay. Tái cấu trúc nhân sự để chuyển đổi mô hình quản lý mới Phần trình bày của diễn giả Văn Đức Mười đã cho thấy mô hình của Vissan đi lên từ một lò giết mổ heo, qua nhiều thăng trằm và chuyển đổi mô hình quản lý để ngày nay trở thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Kỹ nghệ Súc sản với biểu tượng 3 bông mai vàng đã khẳng định vị trí "hàng Việt" trên thị trường thực phẩm trong và ngoài nước. Ngày nay, Vissan có trên 1.000 đại lý cả nước, cung cấp thực phẩm tươi sống cho 142 siêu thị toàn quốc, 60 cửa hàng thực phẩm Vissan, 28 cửa hàng thực phẩm tươi sống tại TP.HCM, có trên 300 mặt hàng thực phẩm chế biến, chiếm 50% tổng doanh thu hàng năm....
Diễn giả Nguyễn Khắc Huy COO Kinh Đô Group - Ảnh Quý Hòa |
COO Nguyễn Khắc Huy của Kinh Đô Group đã trình bày khái quát hệ thống bộ máy quản lý và chiến lược phát triển của Kinh Đô Group với 14 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao. Hệ thống phân phối của Kinh Đô trải khắp 64 tỉnh và thành phố với 200 nhà phân phối và 75.000 điểm bán lẻ. Sản phẩm của Kinh Đô đã được xuất khẩu sang thị trường 35 nước trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Úc, Trung Đông, Singapore, Đài Loan... với kim ngạch xuất khẩu cao. Năm 2009, Tổng doanh thu của Công ty đạt 1.657 tỷ đồng với 578 tỷ đồng lợi nhuận. Về vấn đề đầu tư, ông Mười cho rằng cái khó của nhất của Vissan, không phải là thiết bị máy móc, hay vốn liếng, mà đó chính con người, vì thế Vissan đã phải có cuộc cách mạng "tái cấu trúc nhân sự". Bài học thứ hai của Vissan là tái cấu trúc kinh doanh bằng cách tận dụng nguồn lực xã hội để cộng đồng sức mạnh trong việc tái đầu tư. Ông Mười cực lực phê phán doanh nghiệp của ta hiện nay vẫn chưa mạnh dạn liên kết trong đầu tư. Ông cho biết hiện nay Vissan đã và đang liên kết đầu tư với Kinh Đô, có nghĩa là các cửa hàng, đại lý của Kinh Đô hàng của Vissan và ngược lại.
Diễn giả Trần Kim Thành Chủ tịch HĐQT Kinh Đô Group - Ảnh Quý Hòa |
Khác với Vissan, diễn giả Trần Kim Thành cho biết để đầu tư và phát triển, vấn đề cản ngại lớn nhất của Kinh Đô lúc ban đầu đó là đất đai và vốn liếng. Tuy khó khăn về vốn liếng, nhưng thành công của Kinh Đô là ngay từ đầu, Kinh Đô đã đi đúng hướng với sự đầu tư đồng bộ trong ngành thực phẩm, đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại. Năm 1993, khởi đầu với sự thành công của sản phẩm Snack. Sản phẩm Snack với giá hợp lý, mùi vị đặc trưng ngay lập tức chiếm lĩnh thị trường, tạo đà cho sự mở rộng sau này của các ngành khác. Năm 1996 đánh dấu cột mốc quan trọng với việc nhập khẩu dây chuyền Cookies của Đan Mạch trị giá 5 triệu USD - ngành Cookies ra đời. Những năm tiếp theo, là chuỗi thành công liên tiếp với ngành bánh mì, bánh bông lan công nghiệp, Chocolate, kẹo cứng, kẹo mềm. Điểm nổi bật nhất chính là năm 2000, nhập khẩu dây chuyền Cracker từ Châu Âu và sự ra đời của nhãn hàng AFC đã tạo nên tên tuổi của Kinh Đô. Ông Thành cho biết, bán lẻ là một trong 4 mảng kinh doanh chiến lược mà Kinh Đô đặt trọng tâm phát triển. Những lĩnh vực bán lẻ mà Kinh Đô đang và sẽ tham gia, đó là: các chuỗi cửa hàng thực phẩm chuyên doanh và phục vụ thức ăn nhanh, các trung tâm thương mại và shopping, các trung tâm phân phối, logistics hiện đại chuyên nghiệp và tiếp tục phát triển kênh phân phối truyền thống.
Tiết mục văn nghệ của Ban Đầu tư - CLB Doanh Nhân Sài Gòn |
Ngoài ra, trong thời gian tới, Kinh Đô sẽ hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác lớn nước ngoài để xây dựng và phát triển các hệ thống tại Việt Nam; mua franchise các chuỗi cửa hàng có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới để phát triển; thông qua các nhà tư vấn hệ thống chuyên nghiệp nước ngoài để tự xây dựng, vận hành thương hiệu cho các hệ thống của riêng Kinh Đô; tiến hành bán franchise để mở rộng hệ thống không chỉ trong nước mà ra cả nước ngoài; tiếp tục tự mình phát triển hệ thống phân phối truyền thống gồm chuỗi hơn 100.000 điểm bán lẻ phủ khắp toàn quốc. Ông Thành nhận định rằng năm 2010, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên sẽ là năm cơ hội cho những doanh nghiệp biết chuẩn bị và đón đầu cơ hội sau khủng hoảng. Đối với Kinh Đô, đây sẽ là một năm đóng vai trò “bản lề” với những bước phát triển sẽ đưa Kinh Đô trở thành một trong những Tập Đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam và có tầm cỡ trong khu vực, thông qua việc sáp nhập Công ty Cổ Phần Chế Biến Thực Phẩm Kinh Đô Miền Bắc, Công ty Cổ Phần Ki Do và trong tương lai với nhiều Công ty thực phẩm khác nhằm mở rộng quy mô hoạt động và đa dạng hóa sản phẩm của Kinh Đô trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm.
Quá trình hình thành và phát triển Kinh Đô Group đã trải qua bước ngoặt quan trọng đó là năm 1993 hình thành công ty, năm 2005 là công ty tư nhân đầu tiên lên sàn chứng khoán và 2010 tiến lên thành lập tập đoàn.
Ngày nay, Tập đoàn Kinh Đô với 24 đơn vị thành viên là một hệ thống tích hợp và đồng bộ gồm các công ty hoạt động trong các lĩnh vực thực phẩm, bán lẻ, địa ốc và tài chính đã và đang tiếp tục tăng cường nội lực thông qua chính sách tái đầu tư từ nguồn lợi nhuận để lại để gia tăng giá trị thương hiệu, nâng cao sức mạnh của hệ thống kênh phân phối, nâng cao hiệu quả của hệ thống quản trị, đẩy mạnh chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước và để nâng cao năng lực quản trị của Tập Đoàn lên một tầm cao mới. Một số hình ảnh đoàn tham quan qui trình sản xuất của Kinh Đô
Theo Doanh Nhân Sài Gòn