Mới tiến hành xong Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 10/2016, CTCP Dầu Thực vật Tường An (TAC) vừa ra thông báo ngày 05/01/2017 tới đây, Công ty sẽ chốt quyền để tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2017, dự kiến tổ chức vào 10/02/2017.
Chuyện lần đầu…
Theo thông báo của Tường An, mục đích chính tổ chức đại hội cổ đông lần này là để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua về việc phát hành cổ phiếu tỷ lệ 10:7 (Cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu hiện hữu được nhận thêm 07 cổ phiếu mới) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo đó, TAC sẽ phát hành thêm gần 13,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ gần 190 tỷ lên 322,7 tỷ đồng. Số lượng cổ phần sau phát hành là gần 32,27 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn được trích từ quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu của TAC.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác cũng được đưa ra xin ý kiến cổ đông đó là phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động. Họ là những người đã có cống hiến nhiều năm với Dầu Thực vật Tường An nhưng chưa từng một lần được nhận cổ phiếu ưu đãi (ESOP) của Công ty. Đây vốn là một sự hạn chế rất lớn đối với rất nhiều các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian trước đó.
Ngoài việc ghi nhận sự đóng góp của người lao động, ESOP còn được sử dụng như là một công cụ hữu ích để doanh nghiệp kích thích người lao động làm việc hiệu quả hơn, gắn sự phát triển của doanh nghiệp gần với sự nghiệp của người lao động.
Là doanh nghiệp đầu ngành dầu ăn với doanh số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng kể từ khi cổ phần hóa năm 2004, đây chính là lần đầu trong lịch sử TAC thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Việc Tường An lần đầu phát hành ESOP là một bước đi dù muộn nhưng cho thấy một sự thay đổi tích cực trong quan điểm điều hành của doanh nghiệp này.
Thông thường, khi một doanh nghiệp tăng quy mô bằng phương thức chia thưởng cổ phiếu sẽ không làm tăng dòng tiền và giá trị doanh nghiệp thậm chí tăng độ pha loãng cổ phiếu khiến các chỉ số giảm xuống, đặc biệt là chỉ số thu nhập trên vốn cổ phần ROE. Thế nhưng, với Tường An lại là một vấn đề khác.
Việc phát hành cổ phiếu một mặt tạo ra sức ép lên các chỉ số tài chính nhưng mặt khác, nó cũng tạo động lực thúc ép doanh nghiệp phải tiến lên phía trước, tạo ra một luồng sinh khí mới để toàn bộ máy gia tăng hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, đối với Tường An, một doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng nhưng lại mang trong mình sức ì khá lớn.
Sức bật đến từ KIDO
Phải thừa nhận rằng, làn gió mới tại TAC xuất phát từ sự xuất hiện của KIDO. Bỏ ra 1.000 tỷ mua lại 65% cổ phần của Tường An và với vị thế là một tổ chức kinh tế tư nhân nhiều năm phát triển trong ngành thực phẩm, KIDO cho thấy quyết tâm đưa Tường An trở lại mạnh mẽ, xứng đáng với thương hiệu và giá trị của mình.
“Tôi tâm niệm mình về đây là phải mang được giá trị gì đó chứ không thể về để ngồi ghế Chủ tịch, phải xắn tay đóng góp để đưa dầu Tường An khác với tình hình hiện nay”, Ông Trần Lệ Nguyên, TGĐ của Tập đoàn KIDO chia sẻ ngay khi vừa nhậm chức CT HĐQT TAC.
Trở lại với Tường An, mặc dù có doanh thu, có thị trường và thương hiệu được định vị, thế nhưng Tường An chỉ đạt lợi nhuận khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm, so với doanh thu 4.000 tỷ đồng mỗi năm là không thực sự tương xứng.
So với doanh nghiệp cùng ngành là Calofic được quản lý bởi tập đoàn từ đến từ Singapore là Wilmar, Tường An có tỷ suất lợi nhuận biên rất kém, chỉ bằng chưa đến ¼ so với đối thủ. Đây là một điểm yếu khiến Tường An khựng lại trong nhiều năm.
Điều gì khiến cho KIDO tự tin sẽ thành công trong thương vụ này? Ông Nguyên cho biết, KIDO đã tìm hiểu rất kỹ và thấy rằng những điểm yếu cố hữu của Tường An mang đến cơ hội nhiều hơn thách thức. Tại sao 4.000 tỷ nhưng tỷ suất lợi nhuận lại rất thấp chỉ khoảng 2%? Điều đó chứng tỏ dư địa phát triển của Tường An rất lớn và vấn đề của KIDO là làm sao để giải quyết được bài toán đó.
Ngay sau khi về Tường An, Ông Nguyên cho biết ông sẽ định hướng, xây dựng lại chiến lược sản phẩm, cũng như phân khúc thị trường cho dầu Tường An, tạo ra nhiều sản phẩm mới hơn đa dạng hơn, mang lại hiệu quả phục vụ người tiêu dùng với triết lý sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe.
Song song đó, KIDO sẽ tích hợp các thế mạnh và nguồn lực của từng đơn vị thành viên để tiếp tục phát triển kênh phân phối rộng khắp, giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của Tường An.
Hiện tại, KIDO chỉ mới vừa tiếp quản dầu Tường An, do vậy vẫn chưa thể đánh giá về mức độ thành công của thương vụ. Nhưng những bước đi đầu tiên đang cho thấy Tường An đang có sự chuyển biến tích cực và tỷ suất lợi nhuận của Tường An có thể tăng trên 50% là chuyện trong tầm tay.
Có vẻ như, sau khi bán đi mảng bánh kẹo, KIDO đã tìm được cho mình mảnh đất mới vừa có giá trị vừa thỏa mãn nhu cầu về quy mô thị trường để khởi động cho một chu kỳ tăng trưởng mới của tập đoàn. Và nếu Tường An tạo ra sự đột phá trong những năm tới, thì người có công khai phá dĩ nhiên cũng sẽ là người được lợi nhất chính là KIDO.