Tập đoàn Kinh Đô (KDC) gần đây có nhiều thông tin khiến thị trường phải đoán già đoán non như những “râm ran” về định hướng đầu tư, các chiến lược kinh doanh mới, quyết định lấn sân sang những ngành hàng mới và cho biết đã sẵn sàng “nhảy vào” lĩnh vực mì gói, dầu ăn và cà phê… Rất có thể, những vấn đề này sẽ làm “nóng” cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2013 tới của Kinh Đô.

Trình gì với cổ đông?

Theo tài liệu đã được công bố, HĐQT sẽ trình ĐHCĐ kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2014, lần lượt là 5.150 tỷ đồng và 660 tỷ đồng, tức cao hơn mức thực hiện năm trước 13% và 6,6%, kế hoạch cổ tức năm 2014 là 20% - một tỷ lệ khá hấp dẫn với cổ đông trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Kế hoạch này không kém phần thách thức khi tình hình kinh tế vẫn khó khăn, sức mua dù được cải thiện nhưng vẫn còn tương đối chậm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những kết quả vượt bậc mà Kinh Đô đạt được trong năm 2013, một năm mà nhiều doanh nghiệp chỉ mong thời gian trôi thật nhanh, có thể kỳ vọng Kinh Đô sẽ lại về đích.

Kết thúc năm 2013, cũng là kết thúc quá trình 5 năm tái cấu trúc công ty, Kinh Đô đạt gần 4.561 tỷ đồng doanh thu thuần và 619 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Xin nói thêm, Kinh Đô đã “kiên trì” khi đi trọn quá trình tái cấu trúc với 4 giai đoạn: giai đoạn “Chuẩn bị” bắt đầu từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2010, giai đoạn “Xây dựng nền tảng” diễn ra trong năm 2011, giai đoạn “Lợi nhuận nhờ sự hiệu quả” năm 2012 và giai đoạn “Tăng trưởng có lợi nhuận” năm 2013.

Năm 2014 là một sự khởi đầu mới đối với Kinh Đô và các bước chuẩn bị đã sẵn sàng. Đầu tiên, có thể thấy, lợi thế lớn nhất của “ông vua bánh kẹo” chính là thương hiệu và hệ thống phân phối. Kinh Đô đã xây dựng được hệ thống thương hiệu mạnh trong ngành thực phẩm tại Việt Nam, trong đó có nhiều nhãn hiệu dẫn đầu thị trường như Solite, AFC, Cosy, bánh trung thu Kinh Đô, kem Merino và Celano…. cùng với đó là hệ thống phân phối phủ toàn quốc.

Ngoài ra, một trong những lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Kinh Đô mà hiếm có doanh nghiệp Việt Nam nào xây dựng được chính là hệ thống quản trị, nền tảng công nghệ tiên tiến và vững mạnh. Theo tìm hiểu của ĐTCK, từ năm 2007, đơn vị này đã đầu tư hệ thống SAP/ERP phục vụ cho công tác quản lý dữ liệu đối với một tổ chức ngày càng lớn và phức tạp. Năm 2013, Kinh Đô tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý nhà phân phối (DMS), giúp giảm đáng kể hàng tồn kho ngoài thị trường. Với bước ngoặt hoàn thành quá trình tái cấu trúc xuyên suốt 5 năm qua, Kinh Đô đã cho thấy sự chủ động trong việc xây dựng nền tảng vững chắc để sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển đột phá mới.

Kinh Đô sẽ có một đợt tái cấu trúc mới, và vấn đề này cũng sẽ được trình cổ đông tại cuộc họp sắp tới. Theo đó, công ty mẹ là Tập đoàn Kinh Đô sẽ chuyển toàn bộ tài sản, lợi ích, các quyền và nghĩa vụ khác liên quan đến hoạt động kinh doanh bánh quy, bánh ngọt, bánh sữa và bánh kẹo nói chung của mình sang cho CTCP Kinh Đô Bình Dương do công ty mẹ sở hữu 99,8% vốn.

Kinh Đô bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực mới nên cần tổ chức lại hoạt động của mảng bánh kẹo theo hướng tách bạch giữa các mảng với nhau để đảm bảo việc quản lý đạt hiệu quả trong từng mảng được tốt nhất.

Liên quan đến việc tái cấu trúc, có thể thấy, trước đây, Tập đoàn Masan (MSN) cũng có những bước đi tương tự. Masan đã chuyển Công ty TNHH MTV Tư vấn Hoa Bằng Lăng do mình sở hữu 100% vốn thành Masan Consumer Holdings (MCH) để tập trung quản lý toàn bộ phần vốn của Masan và các công ty con tại Masan Consumer (MSC). Việc làm này đã giúp Masan đơn giản hoá cơ cấu tổ chức, thể hiện rõ mức độ tập trung của Masan vào lĩnh vực hàng tiêu dùng của Việt Nam.

Chiến lược mới có gì mới?

Vấn đề gây xôn xao dư luận gần đây là ý định mở rộng sang lĩnh vực mì ăn liền, dầu ăn và cà phê không thấy Kinh Đô đề cập trong các tài liệu ĐHCĐ sắp tới. Tuy nhiên, dường như Kinh Đô có nói “me mé” khi cho biết Tập đoàn bắt đầu tham gia vào “các ngành nghề kinh doanh mới với quy mô mỗi ngành rất lớn”.

Đối với mì ăn liền, thị trường đã biết Kinh Đô sẽ hợp tác với Công ty TNHH Sài Gòn Vewong - một doanh nghiệp có vốn Đài Loan nổi tiếng với thương hiệu A-one. Theo thoả thuận giữa hai bên, thời gian đầu, Vewong sẽ sản xuất mì gói, cháo và phở ăn liền cho Kinh Đô, còn Kinh Đô sẽ giúp Vewong phân phối các sản phẩm gia vị thông qua kênh phân phối của mình. Các sản phẩm này dự kiến sẽ chính thức ra mắt thị trường vào quý III/2014. Sau này, hai bên sẽ tiếp tục xem xét chọn lọc một số mặt hàng gia vị để mở rộng hợp tác theo mô hình này.

Kinh Đô còn dự định tham gia cả thị trường dầu ăn bằng việc mua cổ phần của một công ty hiện có. “Ông vua bánh kẹo” này cũng sẽ mua lại cổ phần một thương hiệu cà phê với thông tin được tiết lộ là “đã có mặt tại thị trường Việt Nam”.

Đối với dầu ăn và cà phê, Kinh Đô sẽ “bắt tay” với ai vẫn được giữ “kín như bưng”. Tuy nhiên, theo một nguồn tin đáng tin cậy, các thương vụ hợp tác này đã được “chốt” xong và chỉ còn chờ ngày công bố.

Năm 2013 được xem là năm bản lề của Kinh Đô, vì, ngoài việc đánh dấu 20 năm hình thành và phát triển, đó là năm Kinh Đô bắt đầu thực hiện giai đoạn đầu tiên của chiến lược “Food & Flavor”. Mặc dù chiến lược này đã được theo đuổi trong các năm qua, nhưng trong bối cảnh kinh tế không khả quan và sức mua chưa được cải thiện nhiều, Kinh Đô đã chủ động hoãn lại việc tung các sản phẩm thiết yếu.

Thị trường các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển, nhưng tham gia thị trường này cũng dễ bị “sứt đầu mẻ trán” vì hiện đã có không ít tên tuổi đáng gờm. Đối với Kinh Đô, tuy là người đi sau, nhưng rõ ràng, “vua bánh kẹo” đã cho thấy bước đi khôn ngoan cùng sự chuẩn bị khá kỹ càng từ nội lực, nguồn vốn, nền tảng vận hành đến chiến lược chọn ngành hàng để tham gia.

Rõ ràng, các ngành hàng mới mà Kinh Đô sắp “đặt chân” vào đều là ngành hàng thiết yếu, bổ sung cho lĩnh vực bánh kẹo, kem và sản phẩm từ sữa của Tập đoàn, đưa Kinh Đô thâm nhập sâu rộng hơn vào đời sống và phục vụ người tiêu dùng suốt cả ngày. Kinh Đô có năng lực, tiềm năng và đặc biệt là thương hiệu mạnh, việc hợp tác toàn diện (với Sài Gòn Vewong) và đầu tư vào công ty sẵn có (trường hợp dầu ăn, cà phê) để tích hợp thế mạnh của mỗi bên được đánh giá là bước đi khôn ngoan của Kinh Đô, giảm thiểu rủi ro về chi phí gia nhập ngành.

Dù các nhà đầu tư rất nóng lòng muốn Kinh Đô sớm công bố danh tính của đối tác và hình thức hợp tác trong các lĩnh vực mới, nhưng có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu sự cạnh tranh gay gắt trong các ngành hàng mới mà mình chuẩn bị tham gia. Sức mua của nền kinh tế vẫn còn thấp, nhưng với triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt hơn từ năm 2015, kỳ vọng quy mô thị trường sẽ ngày càng lớn, tạo cơ hội cho những người đi sau như Kinh Đô.

Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, dân số trẻ, do đó, nhu cầu các sản phẩm thiết yếu chắc chắn sẽ còn tăng. Dù vẫn còn khá sớm để đánh giá hiệu quả từ các ngành hàng mới mà Kinh Đô sẽ tham gia, nhưng với những gì mà Kinh Đô đã làm được với ngành hàng bánh kẹo trong 2 thập niên qua, cộng với những bước Kinh Đô đã kỳ công chuẩn bị, cổ đông có cơ sở để kỳ vọng vào dấu ấn Kinh Đô trong các ngành hàng mới.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn