Kingdom là thương hiệu bánh kẹo mà KIDO chọn để quay trở lại thị trường sau 5 năm bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại.
Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO trao đổi cùng phóng viên tại Đại hội cổ đông KDC
Sau 5 năm ngành bánh kẹo Việt Nam có nhiều thay đổi, không chỉ quy mô thị trường mà còn thị hiếu, sức hấp dẫn cũng đã khác, nhưng với ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc tập đoàn KIDO, trở về mảng bánh kẹo cũng giống như trở về nhà, được gặp lại những đối tác, bạn hàng cũ và quan trọng hơn ở đó KIDO luôn được chào đón.
Khởi đầu mới với những chiếc bánh trung thu
KIDO chọn cách quay trở về mảng bánh kẹo từng là ngành cốt lõi làm nên giá trị, thương hiệu của mình ngày nay bằng việc ra mắt dòng bánh trung thu Kingdom. Nhiều câu hỏi dành cho lãnh đạo KIDO tại sao là bánh Trung thu? Tại sao thời điểm này khi thế giới đang dồn cả vào câu chuyện đại dịch COVID-19?
Bên những chiếc hộp bánh trung thu vừa mới ra lò, những hộp bánh mang màu sắc cam tươi tắn, ông Trần Lệ Nguyên, tổng giám đốc KIDO Group (KDC) nói: trước tiên đây là nguyện vọng của cổ đông, nhà đầu tư và sau đó là có cả sự yêu thích của bản thân.
"Tại đại hội cổ đông của công ty năm 2019, cổ đông, nhà đầu tư, người tiêu dùng đặt ra yêu cầu, đề nghị KIDO quay lại mảng bánh kẹo. Tháng 7-2020, chúng tôi hết hợp đồng 5 năm với đối tác nên có thể nhìn nhận đây là thời điểm phù hợp để quay lại. Quan trọng hơn, khi đặt vấn đề với các đối tác, khách hàng… chúng tôi nhận được sự ủng hộ lớn và đã quyết định chính thức quay lại ngành bánh Trung thu năm 2020.
Nhìn lại thị trường này, tôi nhìn thấy quá nhiều tiềm năng, vẫn có khoảng trống cho mình thử sức một lần nữa. Thị trường Trung thu thời gian gần đây không có sự đột phá, không khí trung thu… Thị trường đang thiếu những dấu ấn hỗ trợ cho ngành tiếp tục phát triển. Riêng với mảng bánh trung thu, tôi không cảm nhận được không khí của lễ hội Trung thu Việt, trong khi đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp, Tết trung thu Việt rất cần được phát huy", ông Nguyên chia sẻ.
Thế nhưng mùa trung thu 2020 sẽ không phải là mùa kinh doanh bình thường, sôi động như mọi năm. Dịch COVID-19 đang khiến cho các dự án của nhà kinh doanh trở nên khó khăn hơn và KIDO chấp nhận những thách thức đó.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, với sự am hiểu của ngành của một doanh nghiệp từng khai phá và dẫn đầu thị trường Trung thu trước đây, KIDO tự tin có thể làm tốt hơn những gì đang diễn ra. Trong đó, lợi thế lúc này không bị áp lực lớn trong sự trở lại với mảng bánh kẹo.
Hiện tại, các sản phẩm của KIDO nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng, thị phần ngành dầu đứng thứ 2 và ngành kem đứng vị trí số 1 trên thị trường. Những thành công vang dội bước đầu trong ngành thực phẩm thiết yếu càng làm tăng thêm ý chí, quyết tâm cho Ban Lãnh đạo tập đoàn KIDO cho lần quay lại này ngành hàng Trung thu và snacking trong tương lai.
Tạo một thị trường bánh trung thu sôi động hơn
Dự kiến sẽ có 4 triệu bánh trung thu hiệu Kingdom được tung ra trong mùa trung thu năm nay. Bên cạnh những dòng bánh truyền thống như thập cẩm, vi cá, bào ngư… KIDO còn có cho ra mắt những dòng bánh đang là được ưa thích, đón trend của thị trường như bánh trung thu lava, bánh trung thu sô cô la chảy…. Với sản lượng này, Kingdom không đặt ra mục tiêu "gây bão" thị trường nhưng sẽ là nhắc nhớ người tiêu dùng về một thương hiệu bánh biểu tượng cho tình thân, chia sẻ và quan tâm.
"Với 4 triệu bánh trung thu, tương đương khoảng 1 triệu hộp bánh, chúng tôi kỳ vọng doanh số mùa đầu đạt 200 tỉ đồng. Nếu không có dịch COVID-19 kế hoạch còn tăng gấp đôi nhưng bài toán trong mùa đầu năm nay không phải lời, lỗ. Bánh Trung thu sẽ mở đầu cho kế hoạch đẩy mạnh khai thác mảng và snacking quy mô 51.000 tỷ đồng, với tham vọng chỉ sau 2 năm nữa, KIDO sẽ nhanh chóng lên vị trí thứ 2 trên thị trường bánh kẹo Việt Nam", ông Nguyên nói thêm.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, sự quay về mảng bánh kẹo lúc này mang tâm thế khác của một doanh nghiệp khởi nghiệp, sẽ không phải sản xuất hàng loạt, dàn trải mà phải chọn lọc hơn.
"Chúng tôi luôn cập nhật xu hướng thị trường. Nhưng điều quan trọng là xây dựng chính sách giá phù hợp. Giá hợp lý thì sẽ thích ứng được thị trường, người tiêu dùng dễ chấp nhận. Khác với nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi làm bài toán tính ngược, tức chọn một mức giá phù hợp nhất với túi tiền người dùng sau đó mới tính toán đầu vào, nguyên liệu, chi phí… Tất nhiên, trong bài toán đó, chất lượng phải luôn được ưu tiên hàng đầu", ông Nguyên nói.
Đến thời điểm hiện nay mọi người nhìn vào thị trường bánh trung thu thì sẽ nói "sao èo uột" thế, nhưng ông Nguyên không nghĩ vậy. "Chúng ta đang ở năm nhuận, thị trường giờ còn hơi sớm vì bánh trung thu có đặc thù là bánh tươi. Tôi vẫn luôn tin, khó khăn kinh tế là có thật, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến người dân nhưng văn hóa truyền thống trong mùa Trung thu vẫn còn. Bánh trung thu là cầu nối trung gian thể hiện sự quan tâm, mọi người biếu tặng đối tác, các doanh nghiệp cũng thể hiện sự chăm sóc cán bộ nhân viên…
Đáng tiếc, những năm gần đây, các doanh nghiệp hầu như tập trung vào việc bán hàng mà quên đi việc tạo nên một Trung thu mang ý nghĩa cao đẹp và là nét đẹp văn hóa nên được lưu giữ. Tết trung thu có chiếc bánh, là trung gian để chúng ta gởi gắm tình cảm, tỏ thành ý của mình.
"Nhìn vào thị trường này, dòng sản phẩm trung bình chiếm tỉ trọng lớn đến 70%, chúng tôi đang hướng đến số đông trong mùa trung thu năm nay. Sau tất cả, sản phẩm làm ra thì người tiêu dùng phải mua được. Do đó, KIDO không chia trung cấp hay bình dân mà điều cốt lõi một chính sách giá đúng đắn hướng đến chính là mức độ sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng", ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ.
Sản phẩm Bánh trung thu Kingdom được sản xuất trên dây chuyền sản xuất hiện đại và tự động
Người thay đổi cuộc chơi thị trường bánh trung thu
Có thể xem KIDO là người mới trong thị trường bánh trung thu năm nay nhưng nếu nói là người cũ cũng chẳng sai bởi ông Trần Lệ Nguyên là người có kinh nghiệm và am hiểu sâu về ngành bánh. Những lợi thế này có thể giúp KIDO nhanh chóng khai thác hiệu quả các hoạt động của ngành bánh kẹo.
Trở về những năm đầu của thập niên 1990, khi đó thị trường bánh trung thu Việt Nam còn sơ khai với các bánh được làm thủ công, hạn sử dụng rất ngắn. Tình trạng trung thu chưa đến nhưng bánh bị hư hỏng, mốc rất phổ biến.
Từ những chuyến giao lưu với doanh nghiệp Nhật, doanh nhân trẻ Trần Lệ Nguyên mới phát hiện rằng chỉ có sử dụng công nghệ sản xuất khép kín, đóng gói bao bì, quản lý chất lượng từ đầu vào đến đầu ra thì mới cải thiện được điểm yếu của các loại bánh truyền thống Việt Nam. Từ ý tưởng này, ông Trần Lệ Nguyên cũng thay đổi suy nghĩ về hướng kinh doanh ngành bánh kẹo: nếu chỉ bán bánh tươi sản xuất trong ngày thì sẽ rất khó mở rộng thị trường và bài toán ở đây chính là công nghệ sản xuất.
Những năm 2010-2012, bánh trung thu "công nghiệp" với hạn sử dụng dài nhiều tháng được ra đời, trở thành người thay đổi cuộc chơi của thị trường. "Có thời điểm thị phần bánh biếu tặng của chúng tôi chiếm tới 70% thị trường", ông Nguyên nhớ lại.
Theo HẢI KIM - Tuổi Trẻ