Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng với những bước đi thận trọng và vững chắc, CTCP Kinh Đô vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao và triển khai kế hoạch mở rộng các lĩnh vực kinh doanh để tăng doanh thu. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc CTCP Kinh Đô, đã có một vài chia sẻ với ĐTTC xung quanh những vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định thế nào hoạt động của DN nói chung và Kinh Đô nói riêng trong năm 2012?
Ông TRẦN LỆ NGUYÊN: - 2012 là năm các DN Việt Nam phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn chung của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, lạm phát tăng cao, niềm tin và sức mua của người tiêu dùng giảm sút đã gây trở ngại lớn cho việc thực hiện chiến lược tăng trưởng của các DN Việt Nam nói chung và Kinh Đô nói riêng.
Do đó, mức tăng trưởng của hầu hết DN đều rất thấp, thậm chí nhiều DN không có tăng trưởng, nhiều hệ thống siêu thị còn rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Riêng với Kinh Đô, lần đầu tiên trong gần 20 năm nay, mức tăng trưởng doanh thu của công ty chỉ đạt 1%, song nhờ những nỗ lực trong công tác điều hành, tiết kiệm chi phí nên dù doanh số tăng trưởng thấp nhưng tỷ suất lợi nhuận vẫn đạt mục tiêu 500 tỷ đồng như kế hoạch đề ra.
Thành công đó là nhờ Kinh Đô đã nỗ lực thực hiện thành công giai đoạn 3 - “Lợi nhuận từ sự hiệu quả” trong chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn thông qua các hoạt động như tái cấu trúc sản phẩm, tập trung vào những sản phẩm có biên lợi nhuận cao, củng cố nội lực, đầu tư hệ thống phân phối vững mạnh và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng, thay đổi phương thức vận hành hoạt động công, cải thiện hiệu quả hoạt động tập đoàn.
- Ông có lạc quan về tình hình kinh doanh trong năm 2013?
- Những cải thiện đáng kể của thị trường và kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm 2012 đến nay có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và chịu tác động của nhiều biến động như áp lực lạm phát nếu không được quản lý điều chỉnh kịp thời. Do vậy, năm 2013 Kinh Đô tập trung hệ thống phân phối để khi thị trường hồi phục sẽ có tiềm lực phát triển mạnh.
Năm nay, Kinh Đô sẽ thực hiện giai đoạn 4 - “Tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận” với kế hoạch doanh thu 5.200 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2012 và lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2012.
Cụ thể, Kinh Đô sẽ gia tăng đầu tư, dựa vào nền tảng chiến lược “Food&Flavor”, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, tiếp tục đầu tư thương hiệu, tối ưu hóa hệ thống quản trị và chuỗi cung ứng; đồng thời sẽ xúc tiến một số thương vụ M&A.
- Kinh Đô đã bắt tay hợp tác với Glico, định hướng phát triển trong thời gian tới của 2 bên như thế nào?
- Đến thời điểm này, Kinh Đô và Glico đã hợp tác rất tốt và đạt một số thành công nhất định. Hiện Kinh Đô đã xây dựng được một hệ thống phân phối vững mạnh, đó là điều kiện để ngành hàng cao cấp Glico với giá cao hơn so với sản phẩm đang lưu hành trên thị trường vẫn phát triển tại Việt Nam.
Tính đến nay, doanh thu từ ngành hàng bánh que của Glico đã đạt khoảng 3 triệu USD. Sản phẩm đang phân phối được nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng theo cam kết, nếu trong vòng 3-5 năm tới doanh thu đạt được 10 triệu USD sẽ sản xuất tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng đưa ra chiến lược phát triển thận trọng. Theo đó, mục tiêu năm nay, doanh thu từ ngành hàng bánh que của Glico đạt khoảng 57 tỷ đồng. Với ngành hàng này, Kinh Đô không đặt nặng về lợi nhuận trong năm đầu, từ năm thứ hai trở đi mới bắt đầu tính đến.
Vì là hợp tác cổ đông chiến lược nên chúng tôi không dừng lại ở việc phân phối ngành hàng bánh que mà khi ngành hàng này thành công sẽ xem xét phát triển tiếp những ngành hàng khác như kem, sản phẩm từ sữa.
- Kế hoạch sản xuất mì gói, nước chấm, dầu ăn của Kinh Đô năm nay sẽ thực hiện như thế nào?
- Nếu không có gì thay đổi, khoảng tháng 6 sản phẩm mì gói của Kinh Đô sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam và dự kiến nước chấm sẽ được tung ra trong quý IV, dự án về dầu ăn cũng đang được tiến hành. Thực tế, Kinh Đô đã thông báo sẽ ra mắt sản phẩm mì gói, dầu ăn vào khoảng cuối năm 2012, nhưng do diễn biến thị trường khá xấu, nên ban điều hành đã cân nhắc đưa vào năm 2013 để thuận lợi hơn.
Với các ngành hàng như mì gói, dầu ăn, nước chấm, Kinh Đô đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực này tham gia tư vấn về thị hiếu, giá cả, chất lượng để sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Hiện nay, thị trường mì gói miền Nam khoảng 2 tỷ USD/năm, do vậy Kinh Đô vẫn còn nhiều không gian để phát triển và chúng tôi rất tự tin sẽ thành công với các dự án này.
- Vì sao Kinh Đô không tập trung cho ngành bánh kẹo mà lại mở rộng sang những lĩnh vực này?
- Hiện các DN ngành bánh kẹo đều đã có được thị phần nhất định nên rất khó lấn sân chiếm lĩnh thị phần. Nếu muốn tăng trưởng, DN phải mở rộng mảng kinh doanh. Năm nay, Kinh Đô tập trung vào cốt lõi là ngành hàng thực phẩm.
Mục tiêu doanh thu năm 2013 là 5.200 tỷ đồng mới chỉ bao gồm ngành bánh kẹo, nên nếu nới rộng ra các sản phẩm mì gói, nước chấm, dầu ăn có thể doanh thu của công ty sẽ đạt đến 6.000 tỷ đồng.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính