Nielsen Việt Nam, công ty hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường trên toàn cầu vừa công bố kết quả khảo sát trên 1.300 nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến ở Việt Nam, theo đó trong thứ tự các thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam thì Kinh Đô là đứng thứ 4 (sau 3 thương hiệu của nhà đầu tư nước ngoài là Honda, Omo và Nokia). Ngoài ra, Kinh Đô trên một số thương hiệu như Sony, Heineken, Vinamilk...

Ngay khi kết quả này được công bố, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc công ty Kinh Đô đã phát biểu: chúng tôi tự hào là thương hiệu Kinh Đô đã có thể sánh ngang với các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam.

Thương hiệu nổi tiếng nhất ngành hàng thực phẩm.

Cũng theo hết quả điều tra công bố, trong ngành thực phẩm, Kinh Đô xếp hạng nhất với chỉ số nổi tiếng đạt là 60, vượt xa một số công ty và nhãn hiệu khác trong ngành thực phẩm, như 3 nhãn hiệu đứng kế tiếp sau Kinh Đô chỉ đạt chỉ số nổi tiếng là 44, 31 và 28. Đồng thời, Kinh Đô cũng đạt được mức có 95% người tiêu dùng được khảo sát nhận biết về thương hiệu, trong đó có 87% có phản hồi tích cực về thương hiệu. 

 Ngoài ra, kết quả này cũng cho thấy Kinh Đô được cả nam - nữ và trẻ em biết đến, khác với nhiều thương hiệu ngành hàng tiêu dùng, hoặc thực phẩm đa phần đều chỉ có phụ nữ biết đến. Tỷ lệ nam và nữ có mức độ nhận biết thương hiệu Kinh Đô tương đương nhau (chỉ số nổi tiếng là 60 và 61). Đồng thời, tại các tỉnh thành phía Bắc và phía Nam, chỉ số nổi tiếng của Kinh Đô ở mức cao 63 và 64.  Kinh Đô cũng là thương hiệu được các chuyên gia, sinh viên học sinh đặc biệt biết đến với chỉ số nổi tiếng là 67 và 63.

Việc tổ chức xếp hạng và công bố 500 thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam do Phòng Thương Mại Công nghiệp VN chủ trì hoạt động, thực hiện bởi Nielsen Việt Nam, công ty hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường trên thế giới để đảm bảo tính khách quan, chính xác và chuyên nghiệp của quá trình thực hiện và kết quả khảo sát. Cuộc khảo sát này không phân biệt Thương hiệu nước ngoài hay Việt Nam, thể hiện xu hướng hội nhập và cạnh tranh bình đẳng ngay tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Tự tin cạnh tranh

Theo Ban Tổng Giám đốc công ty Kinh Đô, kết quả trên có được là do nỗ lực không ngừng của Kinh Đô trong việc xây dựng thương hiệu thông qua giá trị cốt lõi là sản phẩm. Cụ thể là tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm qua việc kiểm soát nghiêm khắc với chất lượng, luôn tạo nên sự đa dạng cho chủng loại, mẫu mã bao bì vừa đảm bảo mỹ thuật, vừa đảm bảo cho việc vận chuyển đến vùng sâu, vùng xa trong thời tiết khác nhau vẫn không bị ảnh hưởng…

 Ông Trần Lệ Nguyên cho biết: 8 tháng đầu năm, Kinh Đô vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm 20 - 30% so với cùng kỳ bất chấp bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng đến toàn cầu. Ông nói: “Nhìn về tương lai, tôi tin tưởng sẽ càng tốt hơn nữa vì khi kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại, thì tiêu dùng luôn là ngành hàng đi trước, sẽ phục hồi rất nhanh. Kinh Đô đã chuẩn bị, và đang có tất cả những điều cần thiết để cạnh tranh, tự tạo sức bật cho mình một cách đồng bộ từ đội ngũ nhân sự, chiến lược về vốn, đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới…” 

Hiện nay Kinh Đô đang có hệ thống phân phối rộng khắp nước với 32 Kinh Đô Bakery, hơn 200 Nhà phân phối và 70.000 điểm bán lẻ bánh kẹo, 335 Nhà phân phối và 104.000 điểm bán lẻ nước giải khát, 70 nhà phân phối và 15000 điểm bán lẻ kem và các loại thực phẩm lạnh. Tập đoàn Kinh Đô đang chuẩn bị mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại với các loại hình cửa hàng tiện ích, siêu thị và trung tâm thương mại.

Vươn đến vị trí tập đoàn dẫn đầu

Kinh Đô hiện nay hoạt động trong 4 lĩnh vực gồm thực phẩm chiếm 70% cơ cấu vốn và lợi nhuận, bán lẻ - tài chánh - địa ốc chiếm tỉ lệ 30% phần còn lại.

Ông Nguyên nhấn mạnh: sản xuất và kinh doanh thực phẩm luôn là lĩnh vực cốt lõi của tập đoàn Kinh Đô, các hoạt động khác đều dựa trên năng lực này để phát triển. Chẳng hạn Kinh Đô tham gia cổ phần hoặc mua lại các công ty trong lĩnh vực có liên quan đến thực phẩm nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho chính mình. Nhờ sự đa dạng sản phẩm, Kinh Đô đang xây dựng nền tảng để vươn lên vị trí tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu của Việt Nam.

Ngoài ngành thực phẩm, 2 dự án bất động sản mà Kinh Đô đang hướng tới là dự án Cao ốc Văn phòng SJC (4 mặt tiền: Lê lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thành Tôn, Nguyễn Trung Trực) có tổng vốn đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng, Kinh Đô góp 50% vốn. Dự án đã được triển khai với qui mô 45 tầng gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp và 6 tầng hầm trong diện tích sàn xây dựng đạt gần 80.000 m2 và sẽ hoàn thành sau 3 năm thi công. Kế đến là dự án xây dựng căn hộ chung cư Hiệp Bình Phước trên 51.000 m2 nền nhà máy cũ, Kinh Đô đã xin được giấy phép và dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. 

Và dự kiến năm 2009 này, Kinh Đô đạt lợi nhuận khoảng 260 tỉ đồng, thặng dư từ bất động sản trên 250 tỉ đồng, tổng lợi nhuận vào khoảng 500 tỉ đồng, đảm bảo chia cổ tức cho cổ đông 24% tiền mặt và cổ phiếu thưởng.

MT