Dù đang đứng đầu ngành thực phẩm nhưng Công ty Kinh Đô vẫn liên tục thực hiện nhiều chiến lược để gia tăng tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận. Xuyên suốt trên mục tiêu này, bên cạnh việc không ngừng đưa ra các sản phẩm mới để củng cố ngôi vị số 1 thị trường ngành thực phẩm, tăng trưởng qua mua bán và sáp nhập (M&A) được xem là chiến lược chính của Kinh Đô. Bên cạnh đó, liên minh chiến lược với các doanh nghiệp thực phẩm cũng được tiến hành.
Không ngừng liên minh và M&A
Thương vụ hợp tác mới nhất của Kinh Đô là cái bắt tay với tập đoàn thực phẩm Ezaki Glico. Đầu năm 2012, Kinh Đô công bố bán 14 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược Ezaki Glico. Vào quý IV.2012, KDC đã chính thức phân phối sản phẩm Pocky của Glico tại thị trường Việt Nam.
Bước đi này được đánh giá là thận trọng và khôn ngoan. Bởi KDC sẽ không mất thời gian đầu tư nghiên cứu và xây dựng hình ảnh cho các sản phẩm mới. Cũng trong thời gian này, Kinh Đô đã liên kết với Tập đoàn Guangzhou Big Want Foods giới thiệu thành công sản phẩm bánh gạo Sachi.
Trước đó, bằng sự kiên trì của mình, Kinh Đô đã thực hiện nhiều thương vụ M&A mang tính bước ngoặt và mang về cho cổ đông những thành quả đáng kể. Nổi bật là các thương vụ mua kem Wall, sáp nhập Kinh Đô Miền Bắc và Kido vào Tập đoàn Kinh Đô. Hay như kế hoạch sáp nhập Công ty bánh kẹo Vinabico mới đây. Vinabico có nhiều tiềm năng khiến KDC muốn sở hữu, sau khi đã nắm 51% cổ phần từ 5 năm trước. Kinh Đô cho biết Công ty quyết định sáp nhập do Vinabico đã đáp ứng được mức tăng trưởng 30%.
Rõ ràng, với chiến lược chủ đạo là tăng trưởng qua M&A của mình trong suốt 10 năm qua, Kinh Đô cho thấy mình đang đi đúng hướng. Những thành quả ấy ngoài lợi ích kinh doanh mang tầm chiến lược, nó còn được thể hiện rõ ràng trên những con số.
Về kết quả kinh doanh, dù năm 2012 còn nhiều khó khăn nhưng Kinh Đô đã có mức tăng trưởng lợi nhuận trên 40% so với năm 2011, đạt 490 tỷ đồng. Lãi ròng tăng gần 30%, đạt 354 tỷ đồng. Đây thực sự là con số đáng mơ ước với nhiều doanh nghiệp trong ngành. Nó còn cho thấy, Kinh Đô dù đang là “con voi to” nhưng không hề bước chậm.
Về góc độ tài chính, chỉ số nợ/vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ ở mức 0,4 lần. Con số rất an toàn trong tình hình nhiều doanh nghiệp đang quay cuồng vì vấn đề nợ thời gian qua. Nếu nhìn trên chỉ số lợi luận gộp, Kinh Đô đang cho thấy khả năng tiết giảm chi phí và tìm kiếm mức tỉ suất lợi nhuận cao hơn. Chỉ số này liên tục đi theo chiều tăng trong những năm qua. Năm 2012, biên lợi nhuận gộp của Kinh Đô là 43.6% (Bibica là 28.3% và Hải Hà 15.2%).
Sẽ tiếp tục M&A
Tại Đại hội Cổ đông năm 2013 vừa qua, một điểm nhấn chính là Kinh Đô khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch M&A. Trước khi lời tuyên bố này được đưa ra, Kinh Đô đã tái cấu trúc để sẵn sàng cho một bộ máy M&A mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Trước tiên, Kinh Đô tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi là ngành thực phẩm. Theo đó, Công ty đã giảm 47% các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và tiếp tục hoãn đầu tư các dự án bất động sản tại TP.HCM. Năm qua, dù đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn của nền kinh tế nhưng KDC vẫn thực hiện thành công giai đoạn 3 “lợi nhuận từ sự hiệu quả” bằng nhiều giải pháp: tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tiếp tục đầu tư cho thị trường, tái cơ cấu lại đầu tư và quản trị dòng tiền.
Theo đó, KDC tiến hành cơ cấu lại danh mục sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có biên lợi nhuận cao, có tiềm năng phát triển với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Ngoài ra, từ cuối năm 2012, KDC đã có sự thay đổi phương thức vận hành kinh doanh cho toàn hệ thống phân phối của Tập đoàn. Kết quả, lãi gộp của KDC tăng thêm 200 tỷ đồng với tỷ lệ lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 39,8% năm 2011 lên 43,6% năm 2012.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm qua của Kinh Đô là tái cơ cấu đầu tư và quản trị dòng tiền. Nhờ đó, tỷ lệ nợ ngoài/vốn chủ sở hữu của Kinh Đô giảm còn 0,14 lần và công ty đã chứng minh hiệu quả sử dụng vốn qua việc đảm bảo vốn lưu động, giảm khoản phải thu, tăng ngày phải trả, giảm được tồn kho, giảm được chu kỳ kinh doanh từ 49 ngày xuống 43 ngày. Lượng tiền và tương đương tiền của Kinh Đô luôn được duy trì ở mức cao, với gần 830 tỷ đồng.
Về kế hoạch M&A, Kinh Đô vẫn tỏ ra kiên định với hướng đi đã chọn. Để có được sự am hiểu tường tận khi thâm nhập vào các ngành hàng mới thông qua M&A, nhân sự là vấn đề quan trọng giúp Tập đoàn vận hành hiệu quả những mảnh ghép mới. Hiện nay, Kinh Đô đang tổ chức và vận hành theo mô hình đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU). Thông qua mô hình này, Kinh Đô có thể nhân bản hệ thống qua sáp nhập và mở rộng hoạt động dễ dàng và nhanh chóng.
Sắp tới, ngành hàng kinh doanh chủ lực của công ty là thực phẩm bánh kẹo rõ ràng vẫn là mũi nhọn phát triển của Tập đoàn này. Tuy nhiên, để gia tăng tốc độ tăng trưởng, Kinh Đô sẽ tiếp tục chiến lược M&A. Mục tiêu là những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có thương hiệu và điều hành tốt hoặc có tiềm năng tăng trưởng lớn nhằm giúp tập đoàn mẹ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được, Kinh Đô đang chuyển sang giai đoạn 4 “Tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận” từ năm 2013. Đây được xem là năm bản lề của Kinh Đô với mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống và nền tảng hoạt động theo chiến lược “Food and Flavor”. Theo đuổi chiến lược này, Công ty đã tập trung và khai thác tốt mảng kinh doanh chính là thực phẩm.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty, trong năm 2013, Kinh Đô sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đầu tư vào thương hiệu. Ngoài ra, công ty dự kiến tung một số sản phẩm mới, hướng đến phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng như mì gói, gia vị, dầu ăn nhằm khai thác tối đa hệ thống phân phối. Công ty dự kiến đạt 5,200 tỷ đồng doanh thu trong năm 2013 và lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng, tăng 22.5% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp chiếm hơn 44%. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu 2,774 đồng.
Trong suốt quá trình M&A của mình, Kinh Đô thực tế đã đạt được nhiều thành công lớn. Về hiệu quả kinh doanh, KDC có sự tăng trưởng bền vững, từ năm 2009 đến nay, doanh thu liên tục đạt những kỷ lục mới, từ 1,529 tỷ đồng của năm 2009 thì đến nay KDC đã đạt 4,286 tỷ đồng doanh thu thuần (2012) và dự kiến sẽ vượt con số 5,000 tỷ đồng trong năm 2013.
Lợi nhuận gộp cũng tăng gần gấp 4 lần sau ba năm (2009-2012) từ mức 500 tỷ đồng vọt lên 1,869 tỷ đồng và dự kiến sẽ đạt 2,290 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong năm 2013. Ngoài ra, nhờ đa dạng hóa sản phẩm nên Kinh Đô đang dần thoát ly khỏi ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ. Sau sáp nhập, chuỗi sản phẩm hàng ngang của Tập đoàn đã mở rộng từ bánh kẹo sang nhiều chủng loại mới phong phú như kem, sữa chua, váng sữa, sữa nước, phômai... Và gần đây là sản phẩm snack que Pocky với sự hợp tác của Glico.
Và với sự chuẩn bị để biến M&A thành một cỗ máy mạnh mẽ, những thượng vụ sáp nhập mới và những mốc tăng trưởng mới chắc chắn sẽ không còn là điều xa lạ với các cổ đông của Kinh Đô.
Quang Minh
Theo KT&ĐT