Say mê với các thương vụ M&A cộng với một kho kinh nghiệm quản trị đầy mình, ông Trần Lệ Nguyên – CEO của CTCP Tập đoàn KIDO đầy tự tin khi bước chân sang lĩnh vực mới và đảm nhận vai trò là cầu nối giữa KIDO Group, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đến những cơ hội đầu tư mới.

Đam mê với những thương vụ M&A

Con đường gầy dựng và góp phần phát triển nên thương hiệu Kinh Đô nổi tiếng tại Việt Nam với chuỗi sản phẩm đa dạng, chiếm lĩnh thị trường trong vài thập niên qua của ông Trần Lệ Nguyên là cả một câu chuyện dài không phải hình thành nên trong “ngày một ngày hai”. Trên chặng đường đó ông đã ghi dấu ấn trong những thương vụ M&A táo bạo như việc mua lại nhà máy kem Wall's từ Unilever, sáp nhập Vinabico hay gần đây nhất là nắm cổ phần chi phối Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Bản lĩnh của ông lại một lần nữa được thể hiện trong việc đầu tư tại VDS bởi thử thách tại đây không phải là ít.

Ông Nguyên chính thức đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2012-2016 tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào ngày 28/10/2015 của VDS. Bản thân ông Nguyên cũng sẽ tham gia đầu tư trực tiếp vào VDS thông qua việc mua 24.5 triệu cp trong đợt phát hành sắp tới để tăng vốn lên 700 tỷ đồng (tổ chức khác là Công ty TNHH MTV Đầu tư Châu Á sẽ mua 10.52 triệu cp còn lại).
Hoạt động trong mảng tài chính, chứng khoán không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi các công ty chứng khoán đang phải chật vật tìm chỗ đứng cho mình, nhiều người cũng đang tìm cách chạy thoát thân, tại sao ông Nguyên lại có hứng thú nhảy vào mảng này?
Gặp gỡ ông tại ĐHĐCĐ của VDS, vẫn phong thái, tâm huyết, và niềm đam mê đó, ông Nguyên hào hứng chia sẻ về những dự định trong tương lai sẽ làm với VDS, rằng đây là một thương vụ "win-win" mà các bên tham gia đều cùng có lợi.

Là cầu nối với VDS đến các cơ hội đầu tư

Trước hết là về phía KIDO Group, ông Nguyên chia sẻ chiến lược hoạt động của Tập đoàn vẫn sẽ tìm các cơ hội M&A và đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng. Thông qua VDS, KIDO Group sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc với các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, đặc biệt là cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp cổ phần hóa – vốn đang được Chính phủ gấp rút đẩy mạnh. VDS là một trong những CTCK đã tạo dựng được vị thế của mình cùng mối quan hệ với nhiều khách hàng, doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ đáng kể cho KIDO Group trong việc đánh giá, thẩm định các dự án đầu tư. Ngoài ra, ông Nguyên cũng tiết lộ thêm về ý định đón đầu TPP, trong thời gian sắp tới đến năm 2017 sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, khi đó thị trường cũng sẽ sôi động hơn.

Ông Trần Lệ Nguyên

Ông Nguyên cho biết giá trị cốt lõi ông hướng đến trong thương vụ đầu tư vào VDS không phải ngắn hạn mà là các bước xây dựng nền tảng cho thời gian phát triển sắp tới.
Còn về VDS, ông Nguyên hào hứng chia sẻ kế hoạch “xắn tay” hỗ trợ phát triển công ty bằng tất cả kinh nghiệm điều hành trong 22 năm qua được đúc kết từ chính bản thân mình thông qua các thương vụ M&A và cách quản trị công ty có hiệu quả. Ông có thể dung hòa và phát huy tốt vai trò quản trị tại những nơi có văn hóa doanh nghiệp đa dạng theo kiểu tập đoàn đa quốc gia như ở kem Wall's hay phong cách quốc doanh như của Vocarimex. Và trên hết là ông hiểu khách hàng cần gì, nhà đầu tư cần gì để giúp VDS tư vấn đầu tư. Ngoài ra, với mối quan hệ của mình, ông cũng có thể giới thiệu khách hàng cho VDS, giúp công ty mở rộng hệ thống và nền tảng kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp.
Không chỉ là một nhà đầu tư rót vốn đơn thuần, trong cương vị mới ông Nguyên còn đảm nhận vai trò trở thành chiếc cầu nối với VDS đến các cơ hội đầu tư trên thị trường.


Kỳ vọng sau vài năm giá cổ phiếu VDS sẽ lên 2-3 chấm

Việc tăng vốn của VDS sẽ không chỉ dừng lại ở con số lên 700 tỷ mà tiếp tục dự kiến tăng lên 1,500 tỷ đồng theo lộ trình đến năm 2018. Thậm chí ông Nguyên còn cho biết sẵn sàng tăng vốn lên vài ngàn tỷ đồng tùy theo điều kiện thị trường.

ĐHĐCĐ bất thường của VDS tổ chức chiều ngày 28/10/2015 ra mắt những gương mặt mới gồm ông Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch, ông Kelly Wong - Thành viên HĐQT và bà Nguyễn Thị Oanh - Trưởng Ban kiểm soát

ĐHĐCĐ bất thường của VDS tổ chức chiều ngày 28/10/2015 ra mắt những gương mặt mới gồm ông Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch, ông Kelly Wong - Thành viên HĐQT và bà Nguyễn Thị Oanh - Trưởng Ban kiểm soát

Trước mắt với nguồn vốn tăng thêm 350 tỷ đồng từ đợt phát hành sắp tới này, VDS sẽ phân bổ linh hoạt cho các hoạt động giao dịch ký quỹ, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tham gia các hoạt động thị trường trái phiếu, đảm bảo mục tiêu sử dụng vốn hiệu quả, cải thiện kết quả kinh doanh cho công ty trong giai đoạn kế tiếp. HĐQT của VDS cũng chia sẻ thêm với các cổ đông về dự định sau này sẽ chuyển niêm yết từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) sang Sở GDCK TP.HCM (HOSE) để nâng cao vị thế, tăng khả năng huy động vốn và tiếp cận các nhà đầu tư trên thị trường.

Tất nhiên đâu đó vẫn còn những nghi ngại về tình hình hoạt động chung của các công ty chứng khoán cũng như vấn đề lỗ lũy kế tồn đọng tại riêng VDS. Mỉm cười đầy tự tin, ông Nguyên chia sẻ đây là cơ hội và cũng là thách thức dành cho mình. Trước đây, kem Wall's được mua về trong tình trạng lỗ lũy kế 7 năm liền nhưng chỉ sau nửa năm được tiếp nhận, công ty đã lấy lại vốn và bắt đầu có lãi, doanh số mang về từ mảng này tại thời điểm đó là 90 tỷ đồng đến nay đã tăng vọt lên gấp 15 lần.
Bản thân VDS cũng đã sẵn có nền tảng, liệu cánh diều này có gặp đúng gió khi được bổ sung nguồn lực tài chính và nâng cao năng lực quản trị với cầu nối là ông Trần Lệ Nguyên? Riêng với nhận định của mình, ông Nguyên tự tin vào khoản đầu tư này và kỳ vọng sau khoảng vài năm nữa, giá cổ phiếu VDS sẽ tăng lên 2-3 chấm.

Theo vietstock.vn