“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường...”, giai điệu quen thuộc ấy đã ngân vang trên khắp mọi nơi suốt hơn tháng qua, đặc biệt là vào đêm rằm tháng tám. Tết Trung thu năm nay đúng dịp cuối tuần nên không khí càng tưng bừng, rộn rã.
Tết Trung thu - dịp Tết truyền thống của dân tộc luôn mang ý nghĩa đặc biệt với mọi người. Từ đầu tháng 8 âm lịch, không khí náo nức chuẩn bị Trung thu đã len lõi vào từng căn nhà, từng góc phố và rộn ràng lên từng ngày theo sự chăm chút chọn quà Trung thu từ công ty đến mọi nhà mọi người. Mỗi hộp bánh trang nhã, thơm ngon là món quà thắt chặt tình thân với gia đình, bạn hữu, với đồng nghiệp, đối tác....
Đón Tết Trung Thu - dịp Tết thứ hai trong năm sau Tết Nguyên Đán, ai ai cũng lên chương trình họp mặt cùng gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp... Những nhóm bạn trẻ có đến 2 đêm cuối tuần để hẹn nhau tới quán cà phê ngắm đèn lồng và nhòa nhịp không khí sôi động của phố phường chỉ có vào đêm Rằm. Khắp các trung tâm thương mại, các hàng quán... đâu đâu cũng trang trí đèn lồng, đèn màu khiến đêm Trung thu vừa ấm áp, lung linh lại vừa rực rỡ hình ảnh đặc trưng chỉ có của đêm Trăng Rằm. Nhiều du khách biết tiếng khu phố đèn lồng ở Quận 5 cũng tìm đến để săn ảnh đẹp Tết Trung Thu trong khi các bạn trẻ cũng tranh thủ tạo dáng chụp hình khiến khu phố càng trở nên nhộn nhịp.
Các nhân viên công sở cũng tạo không khí đón Trăng sôi nổi, vui tươi. Từ ngày 13-14 âm lịch, cuối giờ làm mọi người đã hẹn nhau ở lại để cùng tổ chức tiệc trà, đón Trung thu “sớm” trước khi “phá cỗ” cùng người thân. Mâm cỗ vào chiều tối ở các gia đình đã được mọi người bày sẵn. Sân thượng, sân vườn chính là địa điểm lý tưởng để các thành viên cùng quây quần đón Trăng. Hết tuần nhang cúng Trời Đất, mọi người thưởng thức bánh Trung thu, hoa quả và uống trà. Những chiếc bánh Trăng Vàng thượng hạng, bánh Trung thu Tuyết, bánh Pha lê, bánh Trăng Vàng Thanh Khiết tốt cho sức khỏe hay bánh Vi cá Jambon, bánh dẻo... được chọn lựa kỹ càng, chỉ chờ thời khắc phá cỗ để mang hương vị Trung thu tuyệt ngon, trọn vẹn đến mọi người. Trên đầu, ánh trăng lấp loáng, lẫn vào ánh đèn cao áp mang đến nhiều cảm xúc khó quên, không dễ gì cảm nhận được trong ngày thường.
Không phải chỉ riêng Sài Gòn mới có không khí đón Tết Trung thu vui đến thế, mà ở vùng miền nào vào những đêm Rằm cũng rộn ràng với mâm cỗ Trung thu, tiếng nhạc đồ chơi cùng tiếng cười đùa của con trẻ, dù đó là Sài Gòn hay Hà Nội, Cần Thơ hay Đà Nẵng, miền ngược hay miền xuôi.
Năm nay, Phố cổ Hà Nội mở hội đón Tết Trung Thu từ đầu tháng 8 đến tận đêm Rằm quanh khu vực chợ Đồng Xuân, phố Hàng Mã – Hàng Lược và các phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân – Hàng Giấy. Đi giữa những con phố ngập tràn không khí Trung thu, ai cũng thấy lòng rộn ràng, chẳng riêng gì con trẻ. Đêm Trung Thu, sau tiệc cúng Trăng cùng người thân, những nhóm bạn trẻ, những gia đình lại náo nức hòa vào dòng người để cùng đón “Đêm rằm Trung thu phố cổ”.
Các tỉnh miền Trung lại đón Tết Trung thu bằng nét văn hóa đặc trưng là các đội múa Lân, rộn ràng và sôi động khắp các đường phố. Người ta múa Lân tới 3 ngày, trước đêm Rằm, chính Rằm, và sau Rằm. Lễ hội Lân khiến các đường phố chật ních các đội múa và người đi thưởng lãm. Vui nhất là ai cũng đi bộ, không có khói xe, không có tiếng còi, mà chỉ có tiếng cười đùa. Vui đến nhớ mãi. Năm nay, Phan Thiết đón Tết Trung thu rực rỡ và ấn tượng với “Lễ hội đèn lồng” truyền thống: 30 chiếc đèn lồng “khổng lồ” độc đáo cùng hơn 3.000 chiếc đèn nhỏ như mang đến cả một đêm Tết Trung thu lung linh và rực rỡ sắc màu trong sự thưởng lãm của hàng ngàn người dân và du khách.
Ở Miền Tây, không khí Tết Tình Thân cũng không kém phần náo nhiệt. Những ngày cận Trung Thu, các khu phố, xóm ấp lại tưng bừng chuẩn bị quà bánh, lồng đèn để tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho các em nhỏ. Trẻ con ríu rít khoe quà, rủ nhau thắp lồng đèn, ca hát trong khi người lớn cũng “tranh thủ” góp vui, chia sẻ cùng nhau những câu chuyện thân tình. Đêm Trung Thu giản dị nhưng ấm ấp như chính nét chân chất mà giàu nghĩa tình của người miền Tây. Đến Sóc Trăng vào dịp Tết Trung thu, phong tục cúng Trăng của người dân ở đây cũng sẽ làm bạn nhớ mãi: trước cửa nhà ai cũng lung linh nến bên cạnh mâm ngũ quả và bánh Trung thu.
Khắp mọi miền đất nước, mỗi nơi đón Tết Trung Thu với những nét đặc trưng riêng song đều chung nhau ở ý nghĩa của đêm Rằm tháng Tám - một dịp Tết của Tình Thân. Thế mới thấy, dù trong điều kiện kinh tế nào, mọi người vẫn trân trọng ý nghĩa cao đẹp của lễ tết truyền thống và đón Tết Trung Thu thật tưng bừng. Rộn rã và vui tươi như thế, nên cứ đến Tết Trung thu - Tết Của Tình Thân, niềm háo hức lại tràn về trong tim mỗi người.
Phương Anh