“Tết trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường…”
Mỗi năm, khi câu hát này vang lên, ký ức của những mùa trăng tròn khi xưa lại ùa về, chiếu sáng trong tôi. Có lẽ, trong những hoài niệm về tuổi thơ, ai cũng đều dành ra một góc thật đặc biệt, thật đẹp cho kỷ niệm về Trung thu, đêm trăng lắc lư theo nhịp trống, những ngọn nến lập lòe sau lớp giấy bóng kiếng đủ màu sắc của những chiếc đèn lồng, hương vị khó quên của những miếng bánh trung thu ngọt ngào được mong đợi trong suốt cả một năm...
Tết trung thu được tổ chức vào ngày rằm tháng Tám. Sau Tết Nguyên đán, Trung thu chính là một cái Tết lớn thứ 2 trong năm, là dịp để mọi thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau, vừa thưởng trăng, vừa chuyện trò ấm áp và cùng phá cỗ. Chính vì thế, Trung thu còn được ưu ái gọi là “Tết đoàn viên”, “Tết của tình thân”.
Mỗi năm, Tết Trung thu thường đến rộn ràng trong tiếng trống hội từ các đoàn rước lân. Phong tục múa Lân ra đời để cầu mong cho đất nước luôn thái bình. Dọc các con phố, mọi người như bị cuốn lẫn vào trong không khí sôi động, cuốn vào trong tiếng trống rộn rã, cuốn vào trong những điệu múa đầy mạnh mẽ và cứ thế kéo thành từng hàng dài hòa trong tiếng reo hò, cổ vũ.
Cùng với ánh sáng vằng vặc cuả trăng Rằm tháng Tám là đèn lồng của trẻ em như để thắp sáng hơn nữa toàn cõi nhân gian. Ngày xưa, đèn lồng đơn giản được làm từ khung tre và tấm giấy bóng kính. Trong ký ức của tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh dáng cha ngồi vót tre và tỉ mỉ cắt dán những miếng giấy xanh đỏ thành hình một cái đèn lồng to, soi theo tôi rất nhiều mùa trăng. Ngày nay, hình dáng đèn lồng đã được hiện đại hóa với những thiết kế nhưng hình ảnh về một chiếc đèn ngôi sao năm cánh, được sơn phết nguệch ngoạc vẫn mãi là một một kỷ niệm đẹp khó quên.
Đi kèm với thú thưởng trăng là mâm cỗ ngày rằm tháng Tám. Tết trung thu không thể không nhắc đến những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm lừng. Từ xa xưa, bánh Trung Thu được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ. Mỗi năm vào ngày Rằm tháng Tám, mọi thành viên trong gia đình thường quây quần ăn bánh, uống trà, trò chuyện dưới ánh trăng. Những người yêu mến nhau thường tặng những chiếc bánh trung thu ngọt ngào thay cho những tình cảm sâu lắng khó thể hiện bằng lời. Trung thu xưa không có điện, mọi người thắp đèn bày cỗ ra trước sân nhà, lũ trẻ con thỏa sức chạy nhảy dưới ánh trăng còn người lớn ngồi lại bên nhau chuyện trò vui vẻ. Rằm tháng Tám vì thế còn trở thành dịp nối kết mọi người lại với nhau, để xóm giềng quây quần, bên chén trà, bên miếng bánh trung thu ngọt ngào, bên những câu chuyện tình thân đầm ấm. Chiếc bánh trung thu không chỉ là một món ăn truyền thống mà trở thành chiếc cầu nối ngọt ngào cho những tình cảm yêu thương.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã cuốn chúng ta đi nhanh hơn nhưng Trung thu vẫn mãi là dịp để lòng người cùng lắng lại trao gửi những yêu thương. Cuộc sống đô thị với những ánh đèn nê-ông hay những tòa nhà cao ốc chọc trời vẫn không thể át đi ánh trăng vằng vặc ngày Rằm. Lại một mùa trung thu nữa đã về. Những con phố đã được nhuộm đủ sắc màu từ những chiếc đèn lồng màu đỏ màu vàng xinh xắn, từ những cửa hàng Kinh Đô Bakery trang trí lung linh với bánh trung thu vàng ươm. Và tràn ngập trong không gian, không khí Trung thu đã dần lan tỏa, rộn rang mọi nẻo đường. Hãy tạm gác lại những bộn bề cuộc sống để ngồi lại bên nhau. Hãy trao những lời yêu thương sâu sắc, những lời chúc từ tâm và chia sẻ những ngọt ngào trong một mùa trăng đoàn viên. Hãy cùng nhau sửa soạn mâm cỗ thơm phức và thắp lồng đèn đón tết Trung thu!
Tham khảo thêm: http://trungthu.kinhdo.vn
Theo Phụ Nữ Chủ Nhật