Thị trường mùa Trung thu vẫn tràn ngập đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc và bánh Trung thu đại hạ giá như mọi năm. Tuy nhiên, năm nay người tiêu dùng đã "khó tính" hơn khi ưu tiên chọn đồ chơi hàng Việt và mua bánh có xuất xứ từ các thương hiệu lớn.

Chọn đồ chơi truyền thống

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu nên "phố lồng đèn" ở đường Lương Nhữ Học và các con đường lân cận khu vực quận 5 đã rực rỡ các loại lồng đèn, đồ chơi chào đón khách. Hàng loạt điểm giữ xe "ăn theo" cũng mọc lên ven đường Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo...

Người tiêu dùng ưu tiên chọn bánh trung thu của những thương hiệu nội tiếng

"Mua đèn ông sao đẹp hơn con ạ" - Một ông bố dỗ dành cậu con trai 7 tuổi đang phụng phịu đòi mua chiếc lồng đèn chạy pin hình con cá của Trung Quốc ở một cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo. Cuối cùng, hai bố con cũng chọn được chiếc đèn ông sao giá 60.000 đồng. "Tôi muốn con trai chọn một món đồ chơi truyền thống trong ngày Tết Trung thu. Thông tin đồ chơi Trung Quốc độc hại khiến tôi không yên tâm" - Ông bố giải thích lý do khi được hỏi.

Chủ cửa hàng trên cho biết, năm nay đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn con cá, lồng đèn giấy hình mặt trời, hoa hướng dương, con mèo… đắt hàng hơn hàng Trung Quốc, dù "đồ ngoại" nhiều mẫu mã và màu sắc bắt mắt. Mặt khác năm nay, giá các loại đồ chơi Trung Quốc tăng khoảng 20% - 30%, dao động từ 50.000 đến 150.000 một món đồ chơi; trong khi lồng đèn giấy, đèn ông sao chỉ 15.000 - 50.000 đồng. Dạo một vòng quanh các con phố này, dễ nhận thấy sự "lên ngôi" của hàng Việt. Cũng theo chủ cửa hàng trên, sức mua thị trường năm nay yếu hơn năm ngoái, thời tiết lại thường mưa buổi chiều nên càng vắng vẻ, mỗi ngày chỉ bán khoảng 50 lồng đèn, hy vọng những ngày sát Trung thu thị trường sẽ tốt hơn lên.

E dè bánh Trung thu đại hạ giá

Thời điểm này cũng là lúc thị trường xuất hiện nhiều điểm bán bánh Trung thu đại hạ giá. Dọc các con đường chuyên bán bánh Trung thu như 3/2, Nguyễn Tri Phương (quận 10), Trần Phú, Nguyễn Trãi (quận 5)… la liệt các bảng hiệu "đại hạ giá", "mua một tặng một", "giảm 50%". Chủ một cửa hàng bánh Trung thu trên đường Nguyễn Tri Phương cho biết, năm nay người tiêu dùng "kỹ tính" hơn khi chọn lựa thương hiệu. Nhiều người vẫn chọn mua các thương hiệu bánh Kinh Đô, Bibica, Như Lan, dù đắt hơn và không giảm giá.

Chọn mua 50 chiếc bánh làm quà Trung thu cho trẻ em nghèo, chị Mai Liên (quận 3) cho biết, dù có thể ra chợ mua sỉ với giá chỉ khoảng 12.000 - 15.000 đồng/chiếc nhưng chị vẫn chọn mua bánh Bibica giá trung bình 50.000/chiếc. "Dù trẻ em nghèo có thể không quan tâm hàng có "thương hiệu" hay không, nhưng nếu chọn mua bánh không thương hiệu thì có thể sẽ mua phải bánh quá dở, các bé sẽ mất vui nên "cố thêm một tý" để các em có những chiếc bánh ngon hơn". Chọn mua hộp bánh Kinh Đô 4 chiếc với giá 250.000 đồng, chị Xuân Tuyền (quận 10) cũng cho biết rất sợ các sản phẩm bán tràn lan trên thị trường không đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, mua bánh có thương hiệu dù đắt một chút nhưng yên tâm hơn.

Theo bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc Truyền thông Công ty Bibica, hiện các dòng bánh cao cấp và các loại bánh dành cho người ăn kiêng bán rất chạy, tăng 30 - 40% so với doanh số cùng loại năm ngoái. Đầu vụ Trung thu 2013, Bibica dự trù sản lượng 525 tấn, tăng 10% so với năm 2012. Tính đến thời điểm này, lượng bán ra đã đạt đến 90% kế hoạch và doanh số đạt được xấp xỉ bằng dự kiến. Theo dự đoán của Bibica, tổng kết mùa vụ có thể đạt được 110% kế hoạch ban đầu.

Đưa ra thị trường khoảng 2.400 tấn bánh Trung thu, đại diện Tập đoàn Kinh Đô cũng cho biết, đến thời điểm này, tiến độ bán hàng đang nhanh hơn cùng kỳ 25%, sản lượng tiêu thụ bánh đạt hơn 90% kế hoạch, trong đó dòng bánh cho nhu cầu ăn chay, ăn kiêng tăng 35% so với cùng kỳ. Dự kiến, đến cuối mùa sản lượng tiêu thụ của Kinh Đô sẽ tăng 10-20% so với kế hoạch. Đại diện các hãng bánh Kinh Đô, Bibica đều cho biết sẽ giữ nguyên giá bán, không thực hiện bán "đại hạ giá" "giảm 50%" hay "mua 1 tặng 1" cho tất cả sản phẩm trong suốt mùa Trung thu.

Theo Báo Hà Nội Mới