Theo kết quả của chương trình “Khảo sát Thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam” lần 2 - 2008 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam thực hiện, Kinh Đô là thương hiệu nổi tiếng nhất ngành hàng thực phẩm. Ở cấp độ cao hơn, Kinh Đô xếp hạng 4 trong Top 10 thương hiệu nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Nhân dịp này, DNSG đã có cuộc trao đổi với ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô về những bí quyết chính phục người tiêu dùng…

*Trước hết, xin chúc mừng Kinh Đô đã lọt vào Top 10 thương hiệu nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Kết quả này có ý nghĩa như thế nào trong hành trình xây dựng thương hiệu của Kinh Đô, thưa ông?

- Kết quả này có một ý nghĩa rất lớn, khẳng định niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu Kinh Đô. Qua đây, tôi xin chân thành cảm ơn sự tín nhiệm của người tiêu dùng và sẽ cùng toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty nỗ lực hơn nữa để xây dựng thương hiệu Kinh Đô ngày càng vững mạnh.

* Kinh Đô trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất ngành thực phẩm đúng vào thời điểm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Như vậy, có thể hiểu rằng trong khủng hoảng, Kinh Đô vẫn bình yên?

- Thực ra, ngành thực phẩm của Kinh Đô trong năm 2008 cũng bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều. Sang đến năm 2009 thì đã hoà nhịp trở lại và mức tăng trưởng vẫn đạt từ 20 - 30%.

* Vài năm gần đây, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, một số “đại gia” trong lĩnh vực thực phẩm của nước ngoài đã hào hứng đầu tư vào Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh của các thương hiệu nước ngoài hiện nay, đặc biệt là với hai mặt hàng bánh kẹo và kem - những mặt hàng được xem là thế mạnh của Kinh Đô?

- Đã là thị trường thì phải có sự cạnh tranh. Về một mặt nào đó, sự cạnh tranh chính là động lực của sự sáng tạo, giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới hay dịch vụ hoàn hảo hơn. Nếu cứ “một mình một chợ” thì sẽ tạo cơ hội cho sức ì nảy sinh. Để không bị thua ngay trên sân nhà, hàng năm, Kinh Đô đều có chiến lược cụ thể và sự chuẩn bị đồng bộ về mọi mặt cho từng bộ phận, từ phòng nghiên cứu phát triển đến phòng marketing, phòng nhân sự…  Sản phẩm của Kinh Đô chủ yếu sản xuất công nghiệp, bảo quản được lâu, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, hệ thống phân phối rộng khắp từ thành thị đến nông thôn… nên đã được đông đảo người tiêu dùng chọn lựa. Thời gian gần đây, chúng tôi đã đẩy mạnh xuất khẩu dẫn đến chủ động được về nguồn ngoại tệ (trong lúc thị trường đang khan hiếm) nên không bị khó khăn về nguyên liệu đầu vào.

* Nghe nói, một số đối tác nước ngoài đã từng đặt vấn đề mua lại thương hiệu kem Ki Do của Kinh Đô?

- Sau khi mua lại Ki Do từ Unilever, thật ngạc nhiên vì Kido không những không lỗ mà còn có lời (doanh thu năm 2008 đạt hơn 200 tỷ đồng). Một số đối tác nước ngoài muốn mua lại nhưng chúng tôi muốn đưa Kido trở thành đơn vị dẫn đầu về sản xuất và phân phối hàng thực phẩm lạnh của Kinh Đô.

*Có nghĩa là, đến một lúc nào đó, trong tủ hàng của Kido sẽ không chỉ có kem và sữa chua như hiện nay?

-  Đúng vậy. Chúng tôi đã khởi động việc liên kết với một số đơn vị chuyên cung cấp hàng thực phẩm chế biến sẵn để cùng làm. Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đòi hỏi cao, nên cứ có sản phẩm chất lượng và hệ thống phân phối tốt là ổn.

* Sau một vài sự cố với hàng nhập khẩu vừa qua, quả thật là người tiêu dùng Việt Nam đã de dặt hơn. Song, bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm với hàng trong nước của họ cũng cao hơn. Theo ông, đâu là bí quyết để một thương hiệu Việt có thể chính phục người tiêu dùng vốn ngày càng khó tính?

- Theo tôi, muốn gây dựng niềm tin với người tiêu dùng, trước tiên phải có sản phẩm chất lượng. Tiếp sau đó là mẫu mã đa dạng, bao bì đẹp, hệ htống phân phối tốt. Đây cũng chính là bí quyết thành công của thương hiệu Kinh Đô. Cách làm thương hiệu của Kinh Đô cũng giống như các thương hiệu nước ngoài. Giá trị cốt lõi của thương hiệu chính là giá trị sản phẩm. Không chỉ thường xuyên đưa ra sản phẩm mới, Kinh Đô còn chú trọng đến việc tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trong sản xuất, Kinh Đô tuyệt đối không dùng nguyên liệu kém chất lượng để hạ giá thành.

* Người ta bảo, trong khó khăn mới biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mỗi doanh nghiệp. Bài học mà lãnh đạo Kinh Đô đã rút ra trong cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua là gì?

- Phải đầu tư có chọn lọc, không ôm đồm và nên tập trung cho thế mạnh sẵn có của mình. Khi thị trường có nhiều biến động, sự phản ứng nhanh nhạy của ban lãnh đạo doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Trong khó khăn chung, nếu muốn mở rộng đầu tư thì phải tính toán kỹ, thà “co cụm” mà chắc còn hơn đầu tư dàn trải mà thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.

* Có nghĩa là cho đến nay, thực phẩm vẫn là mảng kinh doanh chủ đạo của Kinh Đô? Thế còn mảng đầu tư tài chính và địa ốc thì sao?

- Đúng vậy. Riêng mảng đầu tư tài chính thì chúng tôi tạm ngưng lại những dự án đầu tư mới. Về mảng địa ốc, quý IV này Kinh Đô sẽ động thổ dự án cao ốc văn phòng SJC - Lê Lợi trên diện tích đất gần 4.000 m2. Đây là khu phức hợp căn hộ, văn phòng, khu thương mại, cao 45 tầng (Kinh Đô góp vốn 50%), có tiềm năng sinh lời lớn vì nằm ngay trung tâm quận 1, với 4 mặt tiền đường đường chính là Lê Thánh Tôn, Lê lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Trung Trực. 

Ngoài ra, khi di dời nhà máy xuống Bình Dương, nhà máy cũ ở Hiệp Bình Phước đã được phê duyệt để xây dựng khu căn hộ. Tại đây, nếu không có gì thay đổi thì đầu năm 2010 sẽ khởi công dự án với 18 block tương đương với hơn 2.000 căn hộ. Với dự án này, chúng tôi đã có chính sách ưu tiên cho nhân viên và được hỗ trợ vay từ ngân hàng. Hai dự án lớn này của Kinh Đô sẽ mang lại thêm một khoản lợi nhuận không nhỏ cho Kinh Đô vào năm 2010.

* Xin cảm ơn ông!

Trong chương trình “Khảo sát thương hiệu nổi tiếng Việt Nam” lần 2 - 2008, có khoảng 1.300 nhãn hiiệu thuộc hơn 30 ngành hàng được người tiêu dùng trực tiếp đánh giá bằng cách trả lời câu hỏi. Kết quả, BTC đã lựa chọn được 500 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam và xác định được Top 50 thương hiệu Việt Nam nổi tiếng (theo chỉ số nổi tiếng), 33 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam theo ngành hàng và tìm ra Top 10 thương hiệu nổi tiếng Việt Nam.

Trong ngành hàng thực phẩm, Kinh Đô xếp hạng nhất với chỉ số nổi tiếng là  60, kế đó là Chinsu với chỉ số nổi tiếng là 44, Tường An với chỉ số nổi tiếng là 31, Vissan với chỉ số nổi tiếng là 28. Đồng thời, Kinh Đô cũng đạt được mức có 95% người tiêu dùng được khảo sát nhận biết về thương hiệu, trong đó có 87% có phản hồi tích cực về thương hiệu.

 Theo Doanh Nhân Sài Gòn